Xây dựng và tuyển chọn các dạng bài tập về cân bằng hoá học phục vụ giảng dạy, học tập, ôn luyện kiến thức và bồi dưỡng học sinh giỏi
Trong chương trình hoá học phổ thông có đề cập tới hai loại phản ứng hoá học cơ bản: Phản ứng một chiều và phản ứng thuận nghịch, gắn liền với phản ứng thuận nghịch là cân bằng hoá học (CBHH). Đây là vấn đề cơ sở lí thuyết hoá học, vừa có vai trò to lớn về mặt khoa học cũng như ứng dụng thực tế.
Khái niệm phản ứng thuận nghịch và cân bằng hoá học được học sinh nghiên cứu từ lớp 10, chủ yếu là các CBHH đơn giản. Lí thuyết CBHH phát triển dần lên trong chương trình phổ thông lớp 11, 12. Với vốn kiến thức về CBHH trên mà học sinh tiếp cận được cũng giúp hoc sinh giải quyết được phần nào các bài tập liên quan tới hiện tượng hoá học, các bài liên quan nhiệt phản ứng, tính CBHH, v.v… Tuy nhiên việc phân loại chưa rõ ràng, học sinh chưa hiểu rõ và nắm vững được phản ứng hoá học xảy ra là tổng hoà của các phản ứng với các đại lượng nhiệt động hoá học, v.v…
Có thể nói, lí thuyết và tính CBHH rất thiết thực với chương trình phổ thông, có thể tiến hành thực nghiệm, dễ gây hứng thú cho học sinh khi học bộ môn hoá học.
Do thời gian phân phối chương trình của phần này quá ít nên nội dung kiến thức chưa được mở rộng và phần bài tập vận dụng còn nghèo nàn, số lượng bài tập cũng như nội dung kiến thức các bài tập đưa ra còn ít. Về nội dung các bài tập đưa ra trong sách giáo khoa còn nặng về minh hoạ lí thuyết cơ bản, thiếu phần vận dụng và nâng cao, chưa thấy sự phân loại và liên kết giữa các dạng bài tập tính CBHH. Ngoài ra, các tài liệu cho học sinh ôn luyện thi đại học và cao đẳng, các tài liệu này quá nhiều mà không có sự thống nhất một lí thuyết chuẩn mực mà nặng về bài tập tính toán, gây cho học sinh lối học thụ động, không có tính sáng tạo và kém tư duy về hoá học. Vì vậy, tài liệu tham khảo thật sự bổ ích cho giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi môn hoá học về bài tập tính CBHH còn quá ít.
Trong quá trình dạy học tại trường THPT Phan Đình Phùng, đặc biệt là phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi môn hoá học, tôi đã xây dựng, tích luỹ và lựa chọn được một số bài tập tiêu biểu về tính CBHH. Đặc biệt, tôi đã đưa ra sự phân loại các dạng bài tập tính CBHH phục vụ thiết thực cho công việc của người dạy và người học. Sự xây dựng, tích luỹ và lựa chọn cũng như phân loại đó đã mang lại hiệu quả cao.
Xuất phát từ những lí do trên, tôi nghiên cứu đề tài:
“Xây dựng và tuyển chọn các dạng bài tập về cân bằng hoá học phục vụ
giảng dạy, học tập, ôn luyện kiến thức và bồi dưỡng học sinh giỏi”
Xây dựng và hệ thống một số bài tập về căn bằng hoá học – trong thi HSG