Có nên học, có nên thi vào trường chuyên?
Contents
Rất nhiều phụ huynh và các em học sinh chia sẻ nỗi băn khoăn về việc nên hay không nên học trường chuyên, với sức mình liệu có nên đăng kí thi chuyên không? Qua những thông tin dưới đây, các vị phụ huynh và các em học sinh có thể tìm thấy câu trả lời:
- Tổng quan về mô hình trường chuyên tại Việt Nam
- Học trường chuyên thì được những gì?
- Có nên cố sức thi vào trường chuyên?
Tổng quan về mô hình trường chuyên tại Việt Nam
Theo bài “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” đăng trên khoahocphattrien.vn
Khái niệm “chuyên” đã tồn tại trên thế giới từ xã hội cổ đại và đã luôn là một chiếc cân gánh oằn mình trước hai câu hỏi: phát triển tài năng hay đảm bảo công bằng (Davis & Rimm, 1988). Trung Quốc thời kì đầu tin rằng mọi trẻ em đều có quyền được tiếp cận giáo dục, nhưng họ đã phân loại học sinh theo khả năng. Những người được cho là có tài được đưa đến hoàng cung để học tập (Colangelo & Davis, 2003). Thời kì Phục hưng tại Châu Âu, họa sĩ, kiến trúc sư và nhà văn, hay tất cả các trí thức có tài năng đều được đánh giá cao, những người có tài vượt trội đều được quan tâm và có những phần thưởng xứng đáng (Colangelo & Davis, 2003; Witty, 1951). Nhìn chung, trong lịch sử, những người tài luôn được xã hội đánh giá cao và trọng dụng bằng hình thức này hay hình thức khác.
Trong thế giới hiện đại, các mô hình bồi dưỡng nhân tài ngày càng đa dạng và độ tuổi tập trung ngày càng được giảm thấp để phát huy tối đa tiềm năng của học sinh. Một số cách các nước đã thực hiện đào tạo học sinh tài năng có thể kể đến: chương trình bồi dưỡng cho trường công lập (Enrichment programme), chương trình rút ngắn (Compacting), chương trình học theo tốc độ cá nhân (Self-pacing), học vượt lớp (Acceleration), chuyên đề hội thảo tăng cường (Colloquium), chia nhóm nhỏ (Cluster grouping) và các trường lớp tài năng được chọn lọc (Loveless, n.d.). Với mô hình mở trường, lớp chọn toàn thời gian để cho các học sinh có năng khiếu được học tập, trên thế giới cũng có nhiều tên gọi và cách làm khác nhau nhưng tựu trung, học sinh đều phải làm các bài kiểm tra ở mức độ nâng cao hoặc có bảng điểm vượt trội để có thể vào được các ngôi trường tuyển chọn này.
Ở Việt Nam, các trường giáo dục năng khiếu được được vận hành theo mô hình “chuyên” (“specialized school”) và tùy theo đơn vị quản lí mà học sinh sẽ phải làm các bài kiểm tra giống các học sinh vào trường THPT kèm theo một bài kiểm tra môn chuyên, hoặc làm các bài kiểm tra hoàn toàn do trường chuyên tự ra đề. Học sinh trường chuyên được học sâu một môn chuyên đã thi đầu vào và phải hoàn thành các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT Việt Nam ban hành cho học sinh trên toàn quốc (Bộ GD&ĐT, 2017). Ở tất cả các tỉnh thành hiện nay đều đã có trường chuyên; và cả nước có 84 trường THPT chuyên hoạt động cùng mô hình như trên.
Theo Wikipedia:
Hệ thống trường trung học phổ thông chuyên tại Việt Nam được lập ra từ năm 1966. Bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại tất cả các tỉnh thành. Mục đích ban đầu của hệ thống trường chuyên, như các nhà khoa học khởi xướng như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum… mong đợi, là nơi phát triển các tài năng đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.
Trong thời kì đầu của hệ thống trường chuyên, mục tiêu này đã được theo sát và đạt được thành tựu khi mà phần lớn các học sinh chuyên Toán khi đó tiếp tục theo đuổi các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Tin học.
Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng của hệ thống trường chuyên và việc Việt Nam tham dự các kì Olympic khoa học quốc tế “hào hứng” hơn, mục tiêu ban đầu của hệ thống này ngày càng phai nhạt. Một số ý kiến cho rằng, trường chuyên giờ đây chẳng khác nào “lò luyện gà nòi” và thậm chí có người bày tỏ quan điểm: nên dẹp bỏ trường chuyên!
Thay vì sa đà vào tranh cãi trên, trong bài viết này, TiengAnhK12 sẽ tổng hợp những chia sẻ chân thực từ chính người trong cuộc: các thầy/cô giáo dạy chuyên, phụ huynh có con học chuyên và bản thân các bạn học sinh đã và đang học chuyên. Các góc nhìn này sẽ giúp bạn nhìn nhận thật kỹ và tìm ra cho mình câu trả lời cho câu hỏi: Có nên học và thi trường chuyên?
Học trường chuyên thì ĐƯỢC những gì hay là Có nên học trường chuyên?
Trường chuyên giúp học sinh học tập chủ động, hứng thú, mài giũa tư duy
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên cao cấp khoa ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG Hà Nội, là một Amser (học sinh Trường THPT Hà Nội Amsterdam). Anh trai của cô Thùy là cựu học sinh chuyên lý Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội. Theo cô Thùy, việc “chịu nhiệt” tốt là điểm chung của những học sinh học trong một môi trường có áp lực nhưng quan trọng hơn là trường chuyên giúp học sinh tạo ra được hứng thú.
“Thời tôi đi học, không có sách cho riêng hệ chuyên, những cái mới mẻ chúng tôi được tiếp cận đều do thầy photo từ nhiều nguồn, chuyển cho học sinh tham khảo rồi thầy trò phân tích. Chúng tôi cũng được tự do trao đổi ý kiến cá nhân. Có lẽ đó là thứ mang lại hứng thú và cũng hình thành cho chúng tôi thói quen độc lập suy nghĩ, khả năng thuyết phục, phản biện”.
Trường chuyên giúp học sinh rèn luyện bản lĩnh trong môi trường cạnh tranh tích cực
TS Đặng Trường Minh, nghiên cứu viên ở phòng thí nghiệm miễn dịch học và độc tố học chuyên thử nghiệm các sản phẩm dược phẩm tại Hamburg (Đức), từng học chuyên sinh. Điều anh tâm đắc nhất ở trường chuyên là “môi trường cạnh tranh tích cực, khó có thể xao nhãng nên ít chệch hướng”. Tỉ lệ học sinh chuyên thành công cao, kể cả những người không theo đuổi lĩnh vực chuyên mà họ đã học, một phần cũng nhờ có được những kỹ năng, phẩm chất được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh cao.
Ngoài học tập, các hoạt động ngoại khóa của trường chuyên ngày càng sôi động
Có lẽ đã qua rồi cái thời mà học sinh chuyên luôn gắn liền với hình tượng “mọt sách, chỉ biết học, đầu to mắt cận”… Nếu suy nghĩ học sinh trường chuyên chỉ biết học mà thôi khiến bạn lo lắng về định hướng học chuyên của con mình thì đã đến lúc thay đổi.
Theo báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của cựu học sinh 12 Anh 2 Hà Nội Amsterdam Đỗ Quyên tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Vietnam Educamp 2020 diễn ra vào cuối tháng 11/2020 ở Hà Nội: “Học sinh trong các ngôi trường này, ngoài công việc học tập còn được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động ngoại khóa như các Câu lạc bộ, các chương trình nghệ thuật để phát triển các kĩ năng mềm và khám phá tiềm năng của bản thân. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận khả năng phát triển các kĩ năng và cơ hội tương tự cho học sinh của các trường THPT công lập thường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mức độ quan tâm và phong trào tại các trường trên hầu như không thể cạnh tranh với các trường THPT năng khiếu, vốn là nơi khởi nguồn cho phương pháp giáo dục mới hướng tới sự năng động và toàn diện của học sinh”.
Một cựu học sinh thế hệ sinh sau năm 2000 chia sẻ: “Tôi tìm thấy giá trị của mình khi thực hiện các hoạt động xã hội, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Khi đề xuất các dự án với ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thầy cô giáo và nhiều thầy cô còn chung tay vào việc lan tỏa các dự án xã hội với mọi người. Nhờ vậy, học sinh được phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, làm việc qua email…”.
Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng việc nhìn vào danh sách dài các CLB và hoạt động ngoại khóa của trường Chuyên ngoại ngữ hay tìm hiểu thông tin về sự kiện “Ngày hội anh tài” của học sinh Ams.
Trường chuyên giúp hiện thực hóa ước mơ du học
Chị Vũ Ngọc Hân, người có ba con học ba trường chuyên tại Hà Nội, chia sẻ:
“Năm 2003, khi con của anh tôi đỗ trường chuyên, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: “Vào trường chuyên để làm gì nhỉ? Thi quốc tế thì không đủ tầm, đi tây thì đã hết thời”. Thi quốc tế và “đi tây” là hai trong ba mục tiêu học sinh hướng tới khi thi vào trường chuyên thời bao cấp. Mục tiêu thứ ba là vào đại học ngành “hot”.
Khi con tôi chuẩn bị vào THPT, tôi đã thay đổi quan điểm. Cứ cho là không đi thi quốc tế, không “đi tây”, nhưng trường chuyên là nơi có môi trường giáo dục tốt nhất của thành phố, của cả nước, sao lại không vào?
Sau khi cháu vào học trường chuyên, tôi còn vỡ ra nhiều điều – trường chuyên không chỉ có thầy tốt, trò giỏi! Khi đó cháu đỗ chuyên Anh của cả ba trường đầu bảng của Hà Nội. Tôi khuyên cháu vào THPT chuyên Ngoại ngữ cho gần nhà. Thực ra trong thâm tâm tôi biết trường Hà Nội – Amsterdam có trào lưu du học và sợ rằng vào đó cháu có thể “đòi” cha mẹ cho du học. Khi đó, tôi sẽ rất khó nghĩ vì gia đình không có nhiều tiền.
Nhưng chỉ sau một tháng đi học ở Chuyên Ngữ, cháu nói với bố mẹ có nguyện vọng du học. “Con sẽ xin học bổng”, cháu nói. Nếu chỉ nói du học thì có thể cho rằng cháu đua đòi các bạn. Nhưng du học bằng học bổng là câu chuyện hoàn toàn khác, một ước mơ cần được ủng hộ.
Tôi cho cháu biết số tiền gia đình có thể hỗ trợ (khá thấp), phần còn lại cháu phải phấn đấu để được nhà trường hỗ trợ. Cháu vui vẻ đồng ý. Sau hơn hai năm phấn đấu, cháu và gia đình đã đạt được ước mơ. Ngay vòng xét tuyển sớm, cháu được nhận vào trường hàng đầu của Mỹ với mức chi phí gia đình chấp nhận được.
Quyết tâm của con đã tạo động lực cho cả nhà. Tôi đã cân nhắc các phương án và nhận thấy nếu cuộc sống không có biến động lớn, gia đình tôi có thể cho cả ba con du học. Vì vậy, không chỉ vui vì xin được học bổng, chúng tôi vui vì nhìn thấy một hướng đi mà trước đó hoàn toàn không dám mơ đến.
Môi trường gồm các học sinh có năng lực sẽ là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những ước mơ cao xa nhưng không hề viển vông. Ước mơ sẽ tạo động lực để phấn đấu, để thành công. Đây là sự khác biệt lớn của trường chuyên với trường thường.“
Trên đây, TiengAnhK12 đã tổng hợp những CÁI ĐƯỢC nổi bật khi học trường chuyên. Tiếp theo, xin mời các em học sinh và các vị PH tham khảo một số biểu đồ trích từ báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của bạn Đỗ Quyên (hs lớp 12 trường Ams, năm 2020). Quyên đã thực hiện trên 97 học sinh trường chuyên [THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Sư phạm, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên] với ít nhất một năm trải nghiệm môi trường này, học sinh đưa ra các lí do sau về để giải thích lựa chọn của mình:
● Môi trường thuận lợi (bạn bè, thầy cô tốt)
● Cơ hội phát triển kĩ năng mềm, tham gia hoạt động ngoại khóa
● Cơ hội đi thi các kì thi quốc gia, quốc tế
● Cơ hội du học
Với những phụ huynh cảm thấy bị thuyết phục bởi môi trường học tập cũng như cơ hội phát triển của con mình ở trường chuyên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra bây giờ trở thành: Ai nên học chuyên?
Luyện Thi Hà Thành – 0979817885 xin trích dẫn chia sẻ của cô Phạm Nha Trang, giảng viên Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có nên cố sức thi vào chuyên?
Đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: tố chất + nỗ lực. Tố chất là bẩm sinh, nên các gia đình đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy giỏi, đưa đón. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.
Không nên chọn học chuyên nếu sức học ở mức đuối so với lớp chuyên, sẽ luôn phải bướt bả học thêm để theo được chương trình
Cô giáo Phạm Nha Trang từng có một bài chia sẻ về chủ đề này trên Facebook, và được rất nhiều phụ huynh đồng tình:
Không nên chọn vào chuyên nếu cái giá phải trả cho việc ôn thi quá đắt
Đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: tố chất + nỗ lực. Tố chất là bẩm sinh, nên các gia đình đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy giỏi, đưa đón và chi trả học phí. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.
Dù đã xác định là có mong muốn được vào học chuyên, thì vấn đề mang tính quyết định mà phụ huynh lẫn học sinh cần đặc biệt quan tâm chính là khả năng thi vào chuyên và cái giá phải trả cho việc ôn thi.
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, trong năm học 2019 – 2020, khoảng 60% học sinh sẽ được tuyển sinh vào các trường công lập, 20% học sinh tuyển sinh vào các trường dân lập (tư thục); 10% học sinh tuyển sinh vào khối trung tâm giáo dục thường xuyên và 10% còn lại sẽ vào các trường nghề. Và trong số 60% khối trường công lập đó, chỉ có một phần tỉ lệ rất nhỏ dành các trường THPT chuyên. Bởi vậy, thi vào chuyên, tỉ lệ chọi cao là điều đương nhiên và áp lực sinh ra là không thể tránh khỏi.
Đừng bắt con phải cố ôn thi nếu sức con không đủ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” chia sẻ câu chuyện một người bạn: “Có một cô bạn tôi tâm sự: “Hồi nhỏ, em không đỗ chuyên toán, cũng do hồi đó bố mẹ em là công nhân, không đủ điều kiện cho em đi học thêm như các bạn trong khu tập thể nên cấp 2 em chỉ được học trường làng, không được học chuyên toán và cấp 3 thi cũng thiếu nhiều điểm. Nên giờ em quyết “phục thù” đầu tư cho con ôn chuyên từ nhỏ”.
Nhưng cô bạn tôi vẫn không lùi bước, cấp 2, cô sắp xếp con vào lớp toán của một trường nổi tiếng Hà Nội, cậu bé vẫn chỉ là một học sinh bình thường trong lớp, thậm chí lên lớp 8, 9 còn “đuối”. Cô bạn tôi vẫn cho rằng, ôn luyện vẫn có thể đỗ được chuyên toán cấp 3 nên cho con học thêm. Nhưng mùa thi vào 10 năm đó, con vẫn trượt chuyên và cũng chỉ đỗ 1 trường cấp 3 bình thường”.
Hơn nữa, trong trường hợp con có khả năng, tố chất nhưng chỉ ở môn chuyên, việc xác định thi chuyên cũng nên cân nhắc kỹ. Bởi muốn thi đỗ vào 10 các trường top đầu, buộc con bạn phải học đều các môn. Chỉ cần có 1 môn ở mức điểm 5-6 là rất khó đỗ, bởi môn mà con mạnh nhất cũng khó đạt ở mức 9-10 để bù lại.
Đừng tính thi vào trường chuyên nếu cha mẹ không thể sâu sát đồng hành
Với các gia đình đã kiên định mục tiêu cho con học trường chuyên, việc vạch ra lộ trình ôn luyện hợp lý và bền bỉ đồng hành của cha mẹ đóng vai trò rất lớn.
Bắt đầu từ việc hiểu rõ năng lực, sở thích của con tới đâu, phụ huynh có thể giúp con đưa ra định hướng chọn trường rõ ràng và phù hợp.
Tiếp đó sẽ là hành trình dài hơi khi cha mẹ cùng con xác định phương pháp học tập, tìm thầy/cô dạy thêm, tìm lớp học thêm hiệu quả, tìm chương trình ôn luyện để bổ trợ, kịp thời nắm bắt những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì, động viên tinh thần con khi cần thiết…
Chưa kể, phụ huynh còn phải tìm cách sắp xếp công việc sao cho hợp lý để đảm bảo thời gian đưa đón con đi học/luyện thi nếu con không đủ sức để tự tin chỉ cần tự học thêm tại nhà kết hợp với thi thử, đánh giá online là đủ. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là chuẩn bị tài chính cho việc ôn luyện của con.
Tất cả những việc trên đòi hỏi ở phụ huynh sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu dành cho con mình. Nếu các bố mẹ thực sự quá bận rộn với công việc, không đủ điều kiện kinh tế hay tâm lý đồng hành với con, sẽ cần cân nhắc kỹ quyết định có nên để con ôn thi chuyên hay không.
Với các bạn mong muốn học chuyên Anh cấp 3, những thông tin sau sẽ có ích cho cha mẹ đồng hành: