Có rất nhiều quan điểm bất đồng giữa các bậc phụ huynh trong việc định hướng phương pháp học cho con. Liệu học thêm hay không học thêm mới là lựa chọn đúng đắn?
Contents
Sưu tầm và tổng hợp
Khi xã hội phát triển, nhu cầu học tập ngày càng cao. Lo con mình kém con nhà người ta, không ít cha mẹ đẩy những đứa trẻ đến các lớp học thêm đến tận tối muộn. Ngoài học trên lớp, cuối tuần trẻ lại học tại trung tâm hoặc ở nhà thầy cô, rồi có khi cha mẹ còn thuê gia sư dạy kèm.
Đối với học sinh cấp 3, việc tham gia các lớp học thêm ngoài buổi học chính khóa sẽ giúp các em ôn tập chuyên sâu để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi. Tuy nhiên, không ít bố mẹ có con mới học cấp 1 đã nháo nhác tìm thầy cô giỏi, có kinh nghiệm, chuyên môn để con không thua bạn kém bè.
Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 – 2020 của Viện khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất trong số tổng chi phí giáo dục của các gia đình học sinh phổ thông. Trong đó, bậc tiểu học là 32%, THCS là 42%, THPT là 43%, chiếm 1/3 cho đến một nửa tổng chi phí giáo dục của gia đình.
Bên cạnh nhiều gia đình “cuồng” học thêm, cũng có nhiều phụ huynh quan niệm cho con học mà chơi tùy theo sức của mình, hoặc cho con học thêm kỹ năng thay vì nhồi nhét kiến thức. Nhưng số phụ huynh này cũng chỉ chiếm số lượng khá khiêm tốn.
Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ có một lý lẽ riêng khi định hướng con đường học tập cho con. Vì vậy, câu hỏi nên hay không cho con đi học thêm mỗi khi được “khơi mào” vẫn luôn nhận về những ý kiến trái chiều.
Học thêm hay không không quan trọng bằng việc học thêm cái gì
Chia sẻ về vấn đề học thêm, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng:
“Hầu hết chúng ta nhận thấy học sinh Việt Nam cả ở thành thị và nông thôn đều học thêm rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên tách việc học thêm và chi phí học thêm ra. Không phải chi nhiều tiền cho giáo dục thì học được nhiều hay chi ít tiền thì học không hiệu quả. Vấn đề chi phí cần được quản lý một cách khoa học. Khi càng ít nguồn lực thì càng nên học cách chi tiêu thông thái để đạt được hiệu quả cao nhất”, anh Nguyên nói.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, vấn đề không phải ở chỗ nên học thêm hay không mà là nên học thêm cái gì.
“Chẳng hạn với các em học sinh ở trường công lập, trường học thiếu cái gì thì nên học cái đấy. Nhưng thông thường tôi cũng khuyên phụ huynh hạn chế cho con học thêm các nội dung chính khóa mà hướng tới việc trau dồi các lĩnh vực khác để học sinh được trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn.
Ví dụ như ở trường chưa có đủ thời gian cho các hoạt động về thể thao, thể chất, văn nghệ, câu lạc bộ nói chung… thì theo tôi rất nên học thêm. Nhưng nếu học thêm theo hướng học lại chương trình phổ thông trên lớp thì chúng ta cần hết sức thận trọng. Bởi vì điều này thường chỉ dành cho các em có sức học hơi “đuối” so với bạn bè. Tôi không tin phần lớn các em học sinh đều không đáp ứng chương trình phổ thông của Việt Nam. Cho nên nếu đại đa số các em đi học thêm chỉ để học lại như vậy thì thực sự là một vấn đề”.
Ngoài ra, anh Nguyên cho rằng, trẻ em Việt Nam cần học thêm nhiều thứ thuộc về kỹ năng, đam mê, sở thích, các hoạt động thể chất, văn nghệ… Đây là hoạt động chưa mạnh, chưa phong phú và chưa có chiều sâu để so sánh được với các nước phương Tây.
Ở các trường nội trú phương Tây có hàng trăm câu lạc bộ (clb) khác nhau, hoặc một trường bình thường cũng có hàng chục clb để học sinh lựa chọn. Trong khi một số trường công lập chúng ta chỉ đáp ứng được một số hoạt động căn bản như clb bóng đá, bóng rổ, bơi lội…
Phụ huynh và các em nên học thêm những gì mà trường học không dạy để đạt được các mục tiêu trong học tập và trong cuộc sống nếu gia đình có khả năng và điều kiện”.
Học sinh cũng chỉ nên đi học thêm nếu có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ mục tiêu để tăng điểm số cho 1 kỳ thi; mục tiêu học thêm một ngôn ngữ mới mà các em hứng thú; hay các khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng dự tiệc, ngồi bàn ăn… Việc đi học thêm cũng như khi học trong trường, phải nương theo động lực tích cực của các em. Nghĩa là các em phải thật sự quan tâm và đam mê chứ không phải từ ý muốn và đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ.
Với những phụ huynh có suy nghĩ phải cho con đi học thêm để “thuận lợi” hơn trên lớp, giữ mối quan hệ tốt đẹp với giáo viên, anh Nguyên cho rằng trong trường hợp này, cha mẹ nên dũng cảm từ chối.
“Trong các tình huống như vậy nên có sự trao đổi thẳng thắn với nhà trường hay thầy cô bởi đôi khi có sự khác biệt về cách hiểu hay cách nhìn nhận vấn đề. Có thể nhà trường muốn tốt hơn cho các em nên ra sức tăng thời lượng học tập lên với ý tốt. Nếu vấn đề có thể gây khó khăn cho con cái hoặc thấy không cần thiết thì phụ huynh nên có sự trao đổi và chia sẻ để thấu hiểu”, anh Nguyên nói.
Trường học Việt Nam có thể dạy thêm, nhưng đừng thu phí
Chuyên gia này cho biết, ở rất nhiều quốc gia phương Tây vẫn có tình trạng học thêm, và học thêm ngay trong trường. Ví dụ nền giáo dục Phần Lan tất cả các trường đều có chương trình dạy thêm cho học sinh nhưng hoàn toàn không thu phí. Không phải học sinh muốn học thì nhà trường sẽ dạy thêm mà tùy trường hợp: Ví dụ nếu các em là học sinh cần được bồi dưỡng thêm hoặc có năng lực vượt trội, đam mê đặc biệt trong 1 lĩnh vực nào đó. Chính việc dạy thêm không thu phí mà nằm trong nghĩa vụ của giáo viên nên không phát sinh bất cứ một xung đột hay có suy nghĩ tiêu cực nào.
“Trường học ở Việt Nam hoàn toàn nên dạy thêm nhưng là dạy không thu phí. Đây được xem là một phần trong trách nhiệm của giáo viên trong ngày làm việc tại trường cũng như là trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo giáo dục tốt để không em nào bị rớt lại phía sau.
Ngoài ra, liên quan đến nghề nghiệp, nếu giáo viên vừa dạy cho các em ở trường vừa dạy thêm chính học sinh đó bên ngoài có thu phí thì sẽ phát sinh một mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích ở đây. Nên có cơ chế để giáo viên lựa chọn: Nếu đã dạy chính thức trong trường nhưng vẫn muốn dạy thêm bên ngoài thì hoặc là có giới hạn nhất định hoặc trở thành giáo viên tự do để chuyên hỗ trợ học sinh ngoài giờ.
Nếu muốn giáo viên không dạy thêm thu phí nữa thì một vấn đề nữa cần cải thiện là thu nhập. Đồng lương hiện nay chưa trả đúng và đủ cho công việc của giáo viên bởi ngoài số tiết lên lớp họ còn vô số những nhiệm vụ khác trong trường và cả khi về nhà”, chuyên gia chia sẻ.
Anh Nguyên cảnh báo, có một “cái bẫy” trong việc học thêm là nhiều em học thêm nhiều nhưng không giỏi hoặc thậm chí ngay cả học giỏi nhưng làm không giỏi hoặc không có thành tựu trong công việc. Nguyên nhân có thể là do việc học rất xa rời so với thực tế cuộc sống.
Chúng ta cần biết rằng học sinh có rất nhiều hướng đi trong cuộc đời, không phải em nào cũng có định hướng để trở thành nhà nghiên cứu hay là giảng viên đại học. Các em có thể trở thành vận động viên, doanh nhân, nghệ sĩ, thậm chí là công nhân hay nhiều ngành nghề khác.
Mỗi một lựa chọn đều đòi hỏi năng lực, năng khiếu hay phẩm chất hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đừng lấy năng lực thiên về học thuật để “gò” các em vào khuôn mẫu và bắt các em đi theo định hướng đó. Điều này có thể kìm hãm tố chất hay sự phát triển của các em.
“Cha mẹ cần ý thức rằng điểm số không phải là tất cả. Điểm số cao là một ưu thế, mở ra những cơ hội nhưng cũng có thể là một “cái bẫy”để cản trở thành công. Điểm số cao cũng không hứa hẹn chắc chắn về thành công trong cuộc sống. Nên nhìn nhận điểm số là một động lực tích cực thay vì là một áp lực“, anh Nguyên nói.
Theo báo Tổ Quốc: LINKS