Các kỹ thuật dạy học tích cực
Tôi xin giới thiệu với các bạn một số kĩ thuật dạy học tích cực để các bạn làm quen.
1. Kĩ thuật “Khăn trải bàn”
Thế nào là kĩ thuật “khăn trải bàn”?
Là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm nhằm:
– Kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực
– Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân HS
– Phát triển mô hình có sự tương tác giữa HS với HS
Cách tiến hành kĩ thuật “Khăn trải bàn”
– Hoạt động theo nhóm (4 người /nhóm)(có thể nhiều người hơn)
– Mỗi người ngồi vào vị trí như hình vẽ minh họa (xem sơ đồ ở file đính kèm)
– Tập trung vào câu hỏi (hoặc chủ đề,…)
– Viết vào ô mang số của bạn câu trả lời hoặc ý kiến của bạn (về chủ đề…). Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút
– Kết thúc thời gian làm việc cá nhân, các thành viên chia sẻ, thảo luận và thống nhất các câu trả lời
– Viết những ý kiến chung của cả nhóm vào ô giữa tấm khăn trải bàn (giấy A0)
Một vài ý kiến cá nhân với kĩ thuật “Khăn trải bàn”
– Kĩ thuật này giúp cho hoạt động nhóm có hiệu quả hơn, mỗi học sinh đều phải đưa ra ý kiến của mình về chủ đề đang thảo luận, không ỷ lại vào các bạn học khá, giỏi.
– Kĩ thuật này áp dụng cho hoạt động nhóm với một chủ đề nhỏ trong tiết học, toàn thể học sinh cùng nghiên cứu một chủ đề.
– Sau khi các nhóm hoàn tất công việc giáo viên có thể gắn các mẫu giấy “khăn trải bàn” lên bảng để cả lớp cùng nhận xét. Có thể dùng giấy nhỏ hơn, dùng máy chiếu phóng lớn
– Có thể thay số bằng tên của học sinh để sau đó giáo viên có thể đánh giá được khả năng nhận thức của từng học sinh về chủ đề được nêu.
2. Kĩ thuật “Các mảnh ghép”
Bài viết này tôi dựa vào lý thuyết đã được tập huấn tại Cửa Lò (tháng 3/2010) theo dự án Việt- Bỉ do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, kết hợp với kinh nghiệm bản thân áp dụng tại lớp bồi dưỡng chuẩn kiến thức, kĩ năng cho giáo viên Vật lý tại Nha Trang (hè 2010)
Thế nào là kĩ thuật “Các mảnh ghép”?
Là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm:
– Giải quyết một nhiệm vụ phức hợp (có nhiều chủ đề)
– Kích thích sự tham gia tích cực của HS:
– Nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác (Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 1 mà còn phải truyền đạt lại kết quả vòng 1 và hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 2).
Cách tiến hành kĩ thuật “Các mảnh ghép”
VÒNG 1: Nhóm chuyên gia
• Hoạt động theo nhóm 3 đến 8 người [số nhóm được chia = số chủ đề x n (n = 1,2,…)]
• Mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ [Ví dụ : nhóm 1 : nhiệm vụ A; nhóm 2: nhiệm vụ B, nhóm 3: nhiệm vụ C, … (có thể có nhóm cùng nhiệm vụ)]
• Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, suy nghĩ về câu hỏi, chủ đề và ghi lại những ý kiến của mình
• Khi thảo luận nhóm phải đảm bảo mỗi thành viên trong từng nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao và trở thành “chuyên gia” của lĩnh vực đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại câu trả lời của nhóm ở vòng 2
VÒNG 2: Nhóm các mảnh ghép
• Hình thành nhóm 3 đến 6 người mới (1 – 2 người từ nhóm 1, 1 – 2 người từ nhóm 2, 1 – 2 người từ nhóm 3…)
• Các câu trả lời và thông tin của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau
• Khi mọi thành viên trong nhóm mới đều hiểu được tất cả nội dung ở vòng 1 thì nhiệm vụ mới sẽ được giao cho các nhóm để giải quyết
• Các nhóm mới thực hiện nhiệm vụ, trình bày và chia sẻ kết quả
Một vài ý kiến cá nhân với kĩ thuật “Các mảnh ghép”
– Kĩ thuật này áp dụng cho hoạt động nhóm với nhiều chủ đề nhỏ trong tiết học, học sinh được chia nhóm ở vòng 1 (chuyên gia) cùng nghiên cứu một chủ đề.
– Phiếu học tập mỗi chủ đề nên sử dụng trên giấy cùng màu có đánh số 1,2,…,n (nếu không có giấy màu có thể đánh thêm kí tự A, B, C, … . Ví dụ A1, A2, … An, B1, B2, …, Bn, C1, C2, …, Cn)
– Sau khi các nhóm ở vòng 1 hoàn tất công việc giáo viên hình thành nhóm mới (mảnh ghép) theo số đã đánh, có thể có nhiều số trong 1 nhóm mới. Bước này phải tiến hành một cách cẩn thận tránh làm cho học sinh ghép nhầm nhóm
– Trong điều kiện phòng học hiện nay việc ghép nhóm vòng 2 sẽ gây mất trật tự.
Ví dụ: Bài học tiếng Việt
– Vòng 1
Chủ đề A: Thế nào là câu đơn? Nêu ví dụ minh họa và phân tích .(màu đỏ)
Chủ đề B: Thế nào là câu ghép? Nêu ví dụ minh họa và phân tích . (màu xanh)
Chủ đề C: Thế nào là câu phức? Nêu ví dụ minh họa và phân tích . (màu vàng)
Lớp có 45 học sinh, có 12 bàn học.
Giáo viên có thể chia thành 6 nhóm: mỗi nhóm gồm học sinh 2 bàn ghép lại (mỗi nhóm có 7 hoặc 8 học sinh). Giao nhiệm vụ: nhóm 1,2 nhận chủ đề A, nhóm 3,4 nhận chủ đề B, nhóm 5,6 nhận chủ đề C.
Phát phiếu học tập cho học sinh. Trên phiếu học tập theo màu có đánh số từ 1 đến 15. Thông báo cho học sinh thời gian làm việc cá nhân và theo nhóm
– Vòng 2
Giáo viên thông báo chia thành 12 nhóm mới : mỗi nhóm 1 bàn (mỗi nhóm có từ 3 đến 6 học sinh): nhóm 1 gồm các học sinh có phiếu học tập mang số 1,2; nhóm 2 gồm các học sinh có phiếu học tập mang số 3,4; nhóm 3 gồm các học sinh có phiếu học tập mang số 5; nhóm 4 gồm các học sinh có phiếu học tập mang số 6; … nhóm 12 gồm các học sinh có phiếu học tập mang số 14,15. Giáo viên thông báo thời gian làm việc nhóm mới
Các chuyên gia sẽ trình bày ý kiến của của nhóm mình ở vòng 1
Giao nhiệm vụ mới: Câu đơn, câu phức và câu ghép khác nhau ở điểm nào? Phân tích ví dụ minh hoạ
3. Dạy học theo sơ đồ KWL và bản đồ tư duy
KWL do Donna Ogle giới thiệu năm 1986, vốn là một hình thức tổ chức dạy học hoạt động đọc hiểu. Học sinh bắt đầu bằng việc động não tất cả những gì các em đã biết về chủ đề bài đọc. Thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột K của biểu đồ. Sau đó học sinh nêu lên danh sách các câu hỏi về những điều các em muốn biết thêm trong chủ đề này. Những câu hỏi đó sẽ được ghi nhận vào cột W của biểu đồ. Trong quá trình đọc hoặc sau khi đọc xong, các em sẽ tự trả lời cho các câu hỏi ở cột W. Những thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột L.
(Trích từ Ogle, D.M. (1986). K-W-L: A teaching model that develops active reading of expository text. Reading Teacher, 39, 564-570)
Mục đích sử dụng biểu đồ KWL
Biểu đồ KWL phục vụ cho các mục đích sau:
• Tìm hiểu kiến thức có sẵn của học sinh về bài đọc
• Đặt ra mục tiêu cho hoạt động đọc
• Giúp học sinh tự giám sát quá trình đọc hiểu của các em
• Cho phép học sinh đánh giá quá trình đọc hiểu của các em.
• Tạo cơ hội cho học sinh diễn tả ý tưởng của các em vượt ra ngoài khuôn khổ bài đọc.
Sử dụng biểu đồ KWL như thế nào
1. Chọn bài đọc. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả với các bài đọc mang ý nghĩa gợi mở, tìm hiểu, giải thích.
2. Tạo bảng KWL. Giáo viên vẽ một bảng lên bảng, ngoài ra, mỗi học sinh cũng có một mẫu bảng của các em. Có thể sử dụng mẫu sau.
3. Đề nghị học sinh động não nhanh và nêu ra các từ, cụm từ có liên quan đến chủ đề. Cả giáo viên và học sinh cùng ghi nhận hoạt động này vào cột K. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Tổ chức cho học sinh thảo luận về những gì các em đã ghi nhận.
Một số lưu ý tại cột K
Chuẩn bị những câu hỏi để giúp học sinh động não. Đôi khi để khởi động, học sinh cần nhiều hơn là chỉ đơn giản nói với các em : “Hãy nói những gì các em đã biết về……”
Khuyến khích học sinh giải thích. Điều này rất quan trọng vì đôi khi những điều các em nêu ra có thể là mơ hồ hoặc không bình thường.
4. Hỏi học sinh xem các em muốn biết thêm điều gì về chủ đề. Cả giáo viên và học sinh ghi nhận câu hỏi vào cột W. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Nếu học sinh trả lời bằng một câu phát biểu bình thường, hãy biến nó thành câu hỏi trước khi ghi nhận vào cột W.
Một số lưu ý tại cột W
Hỏi những câu hỏi tiếp nối và gợi mở. Nếu chỉ hỏi các em : “Các em muốn biết thêm điều gì về chủ đề này?” Đôi khi học sinh trả lời đơn giản “không biết”, vì các em chưa có ý tưởng. Hãy thử sử dụng một số câu hỏi sau :
“Em nghĩ mình sẽ biết thêm được điều gì sau khi em đọc chủ đề này?”
Chọn một ý tưởng từ cột K và hỏi, “Em có muốn tìm hiểu thêm điều gì có liên quan đến ý tưởng này không?”
Chuẩn bị sẵn một số câu hỏi của riêng bạn để bổ sung vào cột W. Có thể bạn mong muốn học sinh tập trung vào những ý tưởng nào đó, trong khi các câu hỏi của học sinh lại không mấy liên quan đến ý tưởng chủ đạo của bài đọc. Chú ý là không được thêm quá nhiều câu hỏi của bạn. Thành phần chính trong cột W vẫn là những câu hỏi của học sinh.
5. Yêu cầu học sinh đọc và tự điền câu trả lời mà các em tìm được vào cột L. Trong quá trình đọc, học sinh cũng đồng thời tìm ra câu trả lời của các em và ghi nhận vào cột W.
Học sinh có thể điền vào cột L trong khi đọc hoặc sau khi đã đọc xong.
Một số lưu ý tại cột L
Ngoài việc bổ sung câu trả lời, khuyến khích học sinh ghi vào cột L những điều các em cảm thấy thích. Để phân biệt, có thể đề nghị các em đánh dấu những ý tưởng của các em. Ví dụ các em có thể đánh dấu tích vào những ý tưởng trả lời cho câu hỏi ở cột W, với các ý tưởng các em thích, có thể đánh dấu sao.
Đề nghị học sinh tìm kiếm từ các tài liệu khác để trả lời cho những câu hỏi ở cột W mà bài đọc không cung cấp câu trả lời. (Không phải tất cả các câu hỏi ở cột W đều được bài đọc trả lời hoàn chỉnh)
6. Thảo luận những thông tin được học sinh ghi nhận ở cột L
7. Khuyến khích học sinh nghiên cứu thêm về những câu hỏi mà các em đã nêu ở cột W nhưng chưa tìm được câu trả lời từ bài đọc.
Một ví dụ về biểu đồ KWL:
Chủ đề bài đọc : Trọng lực
Câu hỏi của học sinh về Newton ở cột W không có câu trả lời trong bài đọc, học sinh sẽ được khuyến khích tìm kiếm câu trả lời từ các tài nguyên khác.
Biểu đồ KWLH
Xuất phát từ biểu đồ KWL, Ogle bổ sung thêm cột H ở sau cùng, với nội dung khuyến khích học sinh định hướng nghiên cứu. Sau khi học sinh đã hoàn tất nội dung ở cột L, các em có thể muốn tìm hiểu thêm về một thông tin. Các em sẽ nêu biện pháp để tìm thông tin mở rộng. Những biện pháp này sẽ được ghi nhận ở cột H.
Một ví dụ về biểu đồ K-W-L-H
Chủ đề : Khủng long
4. Kỹ thuật “Động não”
Động não là một kỹ thuật nhằm huy động những tư tưởng mới mẻ, độc đáo về một chủ đề của các thành viên trong thảo luận nhóm. Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng (nhằm tạo ra “cơn lốc” các ý tưởng).
Quy tắc của động não : Không đánh giá và phê phán trong quá trình thu thập ý tưởng của các thành viên; liên hệ với các ý tưởng đã được trình bày; khuyến khích số lượng các ý tưởng; cho phép sự tưởng tượng và liên tưởng.
5. Kỹ thuật XYZ
Là một kỹ thuật nhằm phát huy tính tích cực trong thảo luận nhóm. X là số người trong nhóm, Y là số ý kiến của mỗi người cần đưa ra, Z là số phút dành cho mỗi người. Ví dụ kỹ thuật 635 thực hiện như sau : Mỗi nhóm 6 người, mỗi người viết 3 ý kiến trên một tờ giấy trong vòng 5 phút về cách giải quyết một vấn đề và tiếp tục truyền cho người bên cạnh. Tiếp tục như vậy cho đến khi tất cả mọi người đều viết ý kiến của mình. Con số XYZ có thể thay đổi.
6. Kỹ thuật “bể cá”
Là kỹ thuật dùng cho thảo luận nhóm, trong đó một nhóm HS ngồi trước lớp hoặc giữa lớp và thảo luận với nhau, còn những HS khác trong lớp theo dõi cuộc thảo luận đó và sau khi kết thúc cuộc thảo luận thì đưa ra những nhận xét về cách ứng xử của những HS thảo luận.
Đây gọi là phương pháp thảo luận “bể cá”, vì những người ngồi vòng ngoài có thể quan sát những người thảo luận tương tự như xem những con cá bơi trong một bể cá. Trong quá trình thảo luận, những người quan sát và những người thảo luận sẽ thay đổi vai trò cho nhau.
Câu hỏi dành cho những người quan sát : Người nói có nhìn vào những người đang nói với mình không? Họ có nói một cách dễ hiểu không? Họ có để những người khác nói hay không? Họ có đưa ra được những luận điểm đáng thuyết phục hay không? Họ có đề cập đến luận điểm của người nói trước mình không? Họ có lệch hướng khỏi đề tài hay không? Họ có tôn trọng những quan điểm khác hay không?
7. Kỹ thuật “ổ bi”
Là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm, trong đó học sinh chia thành hai nhóm ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi học sinh có thể nói chuyện lần lượt với các học sinh ở nhóm khác.
Cách thực hiện : Khi thảo luận, mỗi học sinh ở vòng trong sẽ trao đổi với học sinh đối diện ở vòng ngoài, đây là dạng đặc biệt của phương pháp luyện tập đối tác. Sau một ít phút thì học sinh vòng ngoài ngồi yên, học sinh vòng trong chuyển chỗ theo chiều kim đồng hồ, tương tự như vòng bi quay, để luôn hình thành các nhóm đối tác mới.
8. Kỹ thuật tia chớp
Là một kỹ thuật huy động sự tham gia của các thành viên đối với một câu hỏi nào đó, hoặc nhằm thu thông tin phản hồi nhằm cải thiện tình trạng giao tiếp và không khí học tập trong lớp, thông qua việc các thành viên lần lượt nêu ngắn gọn và nhanh chóng (nhanh như tia chớp) ý kiến của mình về một câu hỏi hoặc tình trạng vấn đề.
Quy tắc thực hiện : Có thể áp dụng bất cứ thời điểm nào; lần lượt từng người nói suy nghĩ của mình về một câu hỏi đã thoả thuận. Ví dụ : bạn có hứng thú với chủ đề này không?; mỗi người chỉ nói ngắn gọn 1-2 câu ý kiến của mình; chỉ thảo luận khi tất cả đã nói xong ý kiến.
9. Kỹ thuật “3 lần 3”
Là một kỹ thuật lấy thông tin phản hồi nhằm huy động sự tham gia tích cực của học sinh.
Cách làm như sau : Học sinh được yêu cầu cho ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó (Nội dung thảo luận, phương pháp tiến hành thảo luận …); mỗi người cần viết ra : 3 điều tốt, 3 điều chưa tốt, 3 đề nghị cải tiến. Sau khi thu thập ý kiến thì xử lý và thảo luận về các ý kiến phản hồi.
10. Lược đồ tư duy
11.1. Khái niệm
Lược đồ tư duy (còn được gọi là bản đồ khái niệm) là một sơ đồ nhằm trình bày một cách rõ ràng những ý tưởng mang tính kế hoạch hay kết quả làm việc của cá nhân hay nhóm về một chủ đề. Lược đồ tư duy có thể được viết trên giấy, trên bản trong, trên bảng hay thực hiện trên máy tính.
11.2. Cách làm
•Viết tên chủ đề ở trung tâm, hay vẽ một hình ảnh phản ánh chủ đề.
•Từ chủ đề trung tâm, vẽ các nhánh chính. Trên mỗi nhánh chính viết một khái niệm, phản ánh một nội dung lớn của chủ đề, viết bằng CHỮ IN HOA. Nhánh và chữ viết trên đó được vẽ và viết cùng một màu. Nhánh chính đó được nối với chủ đề trung tâm. Chỉ sử dụng các thuật ngữ quan trọng để viết trên các nhánh.
•Từ mỗi nhánh chính vẽ tiếp các nhánh phụ để viết tiếp những nội dung thuộc nhánh chính đó. Các chữ trên nhánh phụ được viết bằng chữ in thường.
•Tiếp tục như vậy ở các tầng phụ tiếp theo.
11.3. Ứng dụng của lược đồ tư duy
Lược đồ tư duy có thể ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau như:
•Tóm tắt nội dung, ôn tập một chủ đề;
•Trình bày tổng quan một chủ đề;
•Chuẩn bị ý tưởng cho một báo cáo hay buổi nói chuyện, bài giảng;
•Thu thập, sắp xếp các ý tưởng;
•Ghi chép khi nghe bài giảng.
11.4. Ưu điểm của lược đồ tư duy
•Các hướng tư duy được để mở ngay từ đầu;
•Các mối quan hệ của các nội dung trong chủ đề trở nên rõ ràng;
•Nội dung luôn có thể bổ sung, phát triển, sắp xếp lại;
•Học sinh được luyện tập phát triển, sắp xếp các ý tưởng.
11. Thông tin phản hồi trong quá trình dạy học
Thông tin phản hồi trong quá trình dạy học là GV và HS cùng nhận xét, đánh giá, đưa ra ý kiến đối với những yếu tố cụ thể có ảnh hưởng tới quá trình học tập nhằm mục đích là điều chỉnh, hợp lí hoá quá trình dạy và học.
Những đặc điểm của việc đưa ra thông tin phản hồi tích cực là:
•Có sự cảm thông;
•Có kiểm soát;
•Được người nghe chờ đợi;
•Cụ thể;
•Không nhận xét về giá trị;
•Đúng lúc;
•Có thể biến thành hành động;
•Cùng thảo luận, khách quan.
Sau đây là những quy tắc trong việc đưa thông tin phản hồi:
•Diễn đạt ý kiến của Ông/Bà một cách đơn giản và có trình tự (không nói quá nhiều);
•Cố gắng hiểu được những suy tư, tình cảm (không vội vã);
•Tìm hiểu các vấn đề cũng như nguyên nhân của chúng;
•Giải thích những quan điểm không đồng nhất;
•Chấp nhận cách thức đánh giá của người khác;
•Chỉ tập trung vào những vấn đề có thể giải quyết được trong thời điểm thực tế;
•Coi cuộc trao đổi là cơ hội để tiếp tục cải tiến;
•Chỉ ra các khả năng để lựa chọn. Có nhiều kỹ thuật khác nhau trong việc thu nhận thông tin phản hồi trong dạy học. Ngoài việc sử dụng các phiếu đánh giá, sau đây là một số kỹ thuật có thể áp dụng trong dạy học nói chung và trong thu nhận thông tin phản hồi.
Nguồn: “Đổi mới phương pháp dạy học trung học phổ thông”, Dự án PTGD THPT, Hà Nội, 2006)
Leave a Reply