NHỮNG HÌNH THỨC CƠ BẢN CỦA TƯ DUY
.1. Khái niệm :
Theo định nghĩa thì “khái niệm là một tư tưởng phản ánh những dấu hiệu bản chất khác biệt (riêng biệt) của sự vật hiện tượng”.
Khái niệm có vai trò quan trọng trong tư duy. Nó là điểm đi tới của quá trình tư duy, cũng là điểm xuất phát của một quá trình.
Khái niệm được xây dựng trên cơ sở của những thao tác tư duy, nó làm điểm tựa cho tư duy phân tích và là cơ sở để đào sâu kiến thức, tiến tới xây dựng khái niệm mới. Ngoài ra, các hoạt động suy luận, khái quát hoá, trừu tượng hoá nhờ có khái niệm mới có cơ sở để tư duy và đi sâu thêm vào bản chất của hiện tượng.
Ví dụ : Khái niệm “phân tử” là hạt nhỏ nhất, mang tính chất vật lý và hoá học của chất, do các nguyên tử tạo thành.
Phân tử nước, phân tử muối ăn … đều là ngoại diên của khái niệm phân tử. Nếu nội hàm khái niệm được xác định sai thì ngoại diện cũng sai. Để có sự phân biệt khái niệm, logic học còn chia khái niệm thành khái niệm đơn, khái niệm chung, khái niệm tập hợp. Trên cơ sở sự hiểu biết về khái niệm như thế có thể giới hạn và mở rộng khái niệm. Khả năng giới hạn và mở rộng khái niệm tuỳ thuộc vào nội dung kiến thức khoa học và chất lượng tư duy.
Trong quá trình tư duy, khái niệm như là công cụ tư duy. Nội dung khoa học cho khái niệm một nội hàm xác định. Khi ta nói hoá vô cơ, hoá hữu cơ tức là ta đã dùng thuật ngữ khoa học. Thuật ngữ sinh ra từ bản thân khái niệm và được xây dựng định hình trong quá trình hiểu biết.
Nhờ khái niệm hoạt động tư duy phân tích mới có những điểm tựa và cơ sở để đào sâu kiến thức, đồng thời tiến tới sự xác định khái niệm mới.
Các hoạt động suy luận khái quát hoá, trừu tượng hoá nhờ có khái niệm mới có cơ sở thao tác, đồng thời đi sâu thêm vào bản chất sự vật hiện tượng.
Rõ ràng nếu khái niệm không xác định được nội hàm cũng như ngoại diên của nó thì chắc chắn sẽ dẫn tới những phân tích mơ hồ, suy luận phán đoán lệch lạc.
Nếu phân chia khái niệm thiếu cân đối, thiếu cơ sở, không liên tục thì chắc chắn kiến thức sẽ dễ dàng phiến diện lệch lạc.
Những hạn chế đó tiếp diễn thường xuyên thì chất lượng tư duy không đảm bảo. Cho nên trong quá trình truyền thụ kiến thức, biết phát hiện những hạn chế đó trên nguyên tắc logic trong tư duy, người giáo viên sẽ góp phần xây dựng phương pháp tư duy cho học sinh.
.2. Phán đoán :
Phán đoán là sự tìm hiểu tri thức về mối quan hệ giữa các khái niệm, sự phối hợp giữa các khái niệm, thực hiện theo một quy tắc, quy luật bên trong.
Nếu khái niệm được biểu diễn bằng một từ hay một cụm từ riêng biệt thì phán đoán bao giờ cũng được biểu diễn dưới dạng một câu ngữ pháp.
Ví dụ : “Phân tử” là khái niệm thì “các phân tử do nguyên tử hợp thành” là một phán đoán.
Trong tư duy, phán đoán được sử dụng như là những câu ngữ pháp nhằm liên kết các khái niệm do đó nó có những quy tắc, quy luật bên trong. Trên cơ sở những khái niệm, phán đoán chính là hình thức mở rộng, đi sâu vào tri thức. Muốn có phán đoán chân thực, khái niệm phải chân thực, nhưng có khái niệm chân thực chưa chắc có phán đoán chân thực.
Ví dụ : “Tất cả các con sông đều chảy theo một hướng” – phán đoán này không chân thực mặc dù “sông” là một khái niệm chân thực.
Cũng có khái niệm chân thực, phán đoán chân thực nhưng không đầy đủ.
Như vậy, nếu khái niệm chân thực như là điều kiện tiên quyết của phán đoán thì những quy tắc quy luật sẽ giúp cho phán đoán chân thực hơn.
Cấu trúc của phán đoán bao gồm thành phần đối tượng : Chủ ngữ (S), vị ngữ (P), cấu trúc này có phán đoán khẳng định với sự tham gia của tiểu từ “là” P. Phán đoán phủ định với sự tham gia của tiểu từ “không là” : S “không là” P.
Tuy nhiên, sự vật hay hiện tượng trong mối quan hệ phức tạp hay đặc thù muốn tìm hiểu nó phải có thao tác phán đoán đơn hoặc phán đoán phức.
Logic học lại chia phán đoán đơn thành phán đoán đặc tính và phán đoán về quan hệ. Trong phán đoán đặc tính lại chia theo chất lượng và số lượng (chung riêng đơn nhất) hoặc phân chia theo dạng thức : phán đoán xác suất, phán đoán xác thực.
Phán đoán phức trong logic học được chia thành phán đoán phân biệt, phán đoán có điều kiện (liên hệ nhân quả, cơ sở logic, điều kiện liên hệ hệ quả logic).
Tư tưởng chân thực hay giả dối thay đổi tuỳ thuộc vào hình thức diễn đạt của nó. Những hình thức trong ngôn ngữ không phải lúc nào cũng được diễn đạt một cách rõ ràng. Cho nên, để có sự khẳng định chân thực hay giả dối toàn bộ các phán đoán phải được đặt trong các trường hợp cụ thể.
Ví dụ : Phán đoán “Đối với mọi số đều có một số nhỏ hơn” nó là giả dối, khi áp dụng phán đoán với các số tự nhiên. Ngược lại nó là chân thực khi áp dụng với số nguyên dương và âm, nghĩa là phải quy nó về một tập hợp số nào.
Tóm lại, trong thao tác tư duy người ta luôn luôn phải chứng minh để khẳng định hoặc phủ định, phải bác bỏ các luận điểm khác nhau để tiếp cận chân lý. Tuân thủ các
nguyên tắc logic trong phán đoán sẽ tạo được hiệu quả cao.
.3. Suy lý :
Hình thức suy nghĩ liên hệ các phán đoán với nhau để tạo một phán đoán mới gọi là suy lý. Suy lý được cấu tạo bởi hai bộ phận :
* Các phán đoán có trước gọi là tiền đề
* Các phán đoán có sau gọi là kết luận, dựa vào tính chất của tiền đề mà kết luận.
Như vậy, muốn có suy lý phải thông qua chứng minh. Trong thực tiễn tư duy ta thường sử dụng suy lý hoặc để chứng minh hoặc để bác bỏ cái gì đó. Muốn suy lý tốt phải tuân thủ những quy tắc, phải từ những luận điểm xuất phát chân thực.
Ví dụ : “Sắt gặp nóng sẽ nở ra” – Sau khi chứng minh tiền đề đó tiến tới suy luận “Gặp lạnh, sắt sẽ co lại, thể tích giảm”.
Như trên đã nói, suy lý phải dựa trên cơ sở tiền đề chân thực và có quá trình chứng minh, không được vi phạm quy tắc suy lý.
Suy lý chia làm ba loại :
* Loại suy
* Suy lý quy nạp
* Suy lý diễn dịch
- Loại suy : Là hình thức tư duy đi từ riêng biệt này đến riêng biệt khác. Loại suy cho ta những dự đoán chính xác sự phụ thuộc và sự hiểu biết về hai đối tượng. Khi đã nắm vững các thuộc tính cơ bản của đối tượng thì loại suy sẽ chính xác.
Ví dụ : Học chương Halogen chỉ cần chú trọng clo. Còn các halogen khác học sinh biết được là dùng phương pháp loại suy.
- Suy lý quy nạp : Suy lý từ riêng biệt đến phổ biến. Từ những hoạt động tới các quy luật. Do đó trong quá trình tư duy, sự suy nghĩ theo quy nạp chuyển từ việc nhận thức các hiện tượng riêng lẻ đến việc nhận thức cái chung. Vì thế các suy lý quy nạp là yếu tố cấu trúc của tri thức khái quát của việc hình thành khái niệm và của việc nhận thức các định luật.
- Ăngghen viết : “Ta biết rằng dưới tác động của ánh sáng trong các điều kiện nhất định về nhiệt độ, áp suất, Cl và H sẽ kết hợp với nhau thành khí HCl và đồng thời gây tiếng nổ, một khi đã biết điều này thì ta cũng biết rằng nó sẽ xảy ra vào bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu trong những điều kiện trên.”
Có hai lối quy nạp :
1/ Quy nạp đơn cử :
* Quy nạp đơn cử hoàn toàn khi người ta nghiên cứu được tất cả các đối tượng.
* Quy nạp đơn cử không hoàn toàn khi người ta không nghiên cứu được tất cả các đối tượng.
2/ Quy nạp khoa học :
Khi đi tới kết luận người ta xác minh những nguyên nhân khoa học của hiện tượng.
Ví dụ : Mọi người đều biết vàng, đồng, gang đều bị nóng chảy nên có thể rút ra kết luận : “Kim loại và hợp kim đều bị nóng chảy”.
- Suy lý diễn dịch : là cách suy nghĩ đi từ cái chung, định luật, quy tắc, khái niệm chung đến những sự vật hiện tượng riêng lẻ.
Quá trình suy lý diễn dịch có thể diễn ra như sau :
* Từ tổng quát đến ít tổng quát hơn.
* Từ phán đoán có tính chất tổng quát này đến các phán đoán có tính chất tổng quát khác.
Trong tri thức ta gặp suy lý từ một tiền đề, có khi từ nhiều tiền đề, đó là hình thức lập luận ba đoạn với quy tắc của mình.
Trong mỗi lập luận ba đoạn chỉ có ba thuật ngữ :
* Thuật ngữ giữa : phải là thuật ngữ chu diễn, nghĩa là thuật ngữ giữa khi chúng là chủ ngữ của phán đoán chung hoặc là vị ngữ của phán đoán phủ định.
* Thuật ngữ không chu diễn trong các tiền đề thì không thể là thuật ngữ chu diễn trong kết luận.
Ví dụ : Suy lý có thể phát biểu dưới dạng luận ba đoạn :
Mọi kim loại đều dẫn điện. Nhôm là Kim loại .Vậy nhôm dẫn điện
Trong quá trình tư duy quy nạp và suy diễn bao giờ cũng liên hệ mật thiết với nhau.
F.Ăngghen trong phép biện chứng tự nhiên đã nói : “Quy nạp và suy diễn gắn bó với nhau như phân tích và tổng hợp”. Quá trình này được thực hiện trong phương pháp xác định mối liên hệ nhân quả trong các hiện tượng.
Với tư cách là hình thức tư duy gián tiếp, suy lý trong tư duy logic có vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động tư duy. Việc hướng dẫn quy tắc logic trong suy lý tạo được hiệu quả lớn trong quá trình lĩnh hội tri thức. Khẳng định rèn luyện tư duy logic trong học tập chính là tạo cho học sinh có phương pháp trong tư duy từ khái niệm đến phán đoán suy lý không phải là quá trình tuần tự cho rèn luyện mà là những thao tác được vận dụng đồng thời. Nhờ những thói quen và phương pháp xác định học sinh có thể xây dựng những giả thiết khoa học.