Rèn luyện các thao tác tư duy trong dạy học môn hoá học
Trong logic học, người ta thường biết có ba phương pháp hình thành những phán đoán mới : Quy nạp, suy diễn và loại suy. Ba phương pháp này có quan hệ chặt chẽ với những thao tác tư duy : phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát hoá … Chúng ta sẽ tìm hiểu các thao tác tư duy cụ thể :
.1. Phân tích :
“Là quá trình tách các bộ phận của sự vật hoặc hiện tượng tự nhiên của hiện thực với các dấu hiệu và thuộc tính của chúng cũng như các mối liên hệ và quan hệ giữa chúng theo một hướng xác định”.
Xuất phát từ góc độ phân tích các hoạt động tư duy đi sâu vào bản chất thuộc tính của bộ phận từ đó đi tới những giả thiết và kết luận khoa học. Trong học tập, hoạt động này rất phổ biến.
Ví dụ : Muốn giải một bài toán hoá học, phải phân tích các yếu tố thuộc dữ kiện. Muốn đánh giá đúng đắn một cuộc cách mạng, phải biết phân tích yếu tố lịch sử tạo nên cuộc cách mạng đó.
Như vậy, từ một số yếu tố, một vài bộ phận của sự vật hiện tượng tiến đến nhận thức trọn vẹn các sự vật hiện tượng. Vì lẽ đó, môn khoa học nào trong trường phổ thông cũng thông qua phân tích của cả giáo viên cũng như học sinh để bảo đảm truyền thụ và lĩnh hội.
Tuỳ lứa tuổi, thể hiện hình thức phân tích cảm tính thực tiễn hay trí tuệ để đạt được những kiến thức sơ đẳng và tiến tới kiến thức sâu sắc. Quá trình hoạt động phân tích cũng đi từ phiến diện tới toàn diện nghĩa là từ phân tích thử, phân tích cục bộ, từng phần và cuối cùng là sự phân tích có hệ thống.
Ví dụ : Nghiên cứu về nước được phân chia trong từng cấp học như sau :
Cấp 1 : Học sinh mới nghiên cứu chu trình của nước trong tự nhiên và các ứng dụng, trạng thái của nước.
Cấp 2 : Học sinh đã hiểu nước được phân tích thành H2 và O2.
2H2O => 2H2 + O2
Cấp 3 : Nước nghiên cứu bị phân ly thành ion :
H2O ⇌ H+ + OH–
.2. Tổng hợp :
“Là hoạt động nhận thức phản ánh của tư duy biểu hiện trong việc xác lập tính chất thống nhất của các phẩm chất và thuộc tính của các yếu tố trong một sự vật nguyên vẹn có thể có được trong việc xác định phương hướng thống nhất và xác định các mối liên hệ, các mối quan hệ giữa các yếu tố của sự vật nguyên vẹn đó, trong việc liên kết và liên hệ giữa chúng và chính vì vậy là đã thu được một sự vật và hiện tượng nguyên vẹn mới”
Theo định nghĩa trên tổng hợp không phải là số cộng đơn giản của hai hay nhiều sự vật, không phải là sự liên kết máy móc các bộ phận thành chỉnh thể. Sự tổng hợp chân chính là một hoạt động tư duy xác định đặc biệt đem lại kết quả mới về chất, cung cấp một sự hiểu biết mới nào đó về hiện thực.
Ví dụ : Muối ăn (NaCl) là liên kết Cl và Na nhưng không phải là tổng số đơn giản của hai nguyên tố Cl và Na.
Cũng như phân tích, tổng hợp cũng có thể tiến hành trong hoàn cảnh trực quan khi học sinh tác động vào sự vật đồng thời tổng hợp bằng “trí tuệ”. Học sinh THPT có thể tư duy tổng hợp bằng vốn tri thức, khái niệm cũ.
Như vậy tư duy tổng hợp cũng được phát triển từ sơ đẳng đến phức tạp với khối lượng lớn.
Phân tích và tổng hợp không phải là hai phạm trù riêng rẽ của tư duy. Đây là hai quá trình có liên hệ biện chứng. Phân tích để tổng hợp có cơ sở và tổng hợp để phân tích đạt được chiều sâu bản chất hiện tượng sự vật. Sự phát triển của phân tích và tổng hợp là đảm bảo hình thành của toàn bộ tư duy và các hình thức tư duy của học sinh.
.3. So sánh :
“Là xác định sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật hiện tượng của hiện thực”. Trong hoạt động tư duy của học sinh thì so sánh giữ vai trò tích cực quan trọng.
Việc nhận thức bản chất của sự vật hiện tượng không thể có nếu không có sự tìm ra sự khác biệt sâu sắc, sự giống nhau của các sự vật hiện tượng.
Việc tìm ra những dấu hiệu giống nhau cũng như khác nhau giữa hai sự vật hiện tượng là nội dung chủ yếu của tư duy so sánh. Cũng như tư duy phân tích, tư duy tổng hợp thì tư duy so sánh có thể ở mức độ đơn giản (tìm tòi, thống kê, nhận xét) cũng có thể thực hiện trong quá trình biến đổi và phát triển.
Có thể tiến hành so sánh những yếu tố dấu hiệu bên ngoài có thể trực tiếp quan sát được, nhưng cũng có thể tiến hành so sánh những dấu hiệu quan hệ bên trong không thể nhận thức trực tiếp được mà phải bằng hoạt động tư duy.
Trong dạy học nói chung và dạy học hoá học nói riêng thực tế trên sẽ đưa tới nhiều hoạt động tư duy đầy hứng thú.
Nhờ so sánh, người ta có thể tìm thấy các dấu hiệu bản chất giống nhau và khác nhau của các sự vật. Ngoài ra, còn tìm thấy những dấu hiệu không bản chất thứ yếu của chúng.
Ví dụ : So sánh hidrocacbon: ankan, anken, ankin ở mức độ cụ thể
So sánh hidrocacbon với rượu, anđehit, axit ở mức độ cao hơn
.4. Khái quát hoá :
Khái quát hoá là hoạt động tư duy tách những thuộc tính chung và các mối liên hệ chung, bản chất của sự vật và hiện tượng tạo nên nhận thức mới dưới hình thức khái niệm, định luật, quy tắc.
Khái quát hoá được thực hiện nhờ khái niệm trừu tượng hoá nghĩa là khả năng tách các dấu hiệu, các mối liên hệ chung và bản chất khỏi các sự vật và hiện tượng riêng lẻ cũng như phân biệt những cái gì là không bản chất trong sự vật hiện tượng.
Tuy nhiên, trừu tượng hoá chỉ là thành phần của hoạt động tư duy khái quát hoá nhưng là thành phần không thể tách rơì của quá trình khái quát hoá. Nhờ tư duy khái quát hoá ta nhận ra sự vật theo hình thức vốn có của chúng mà không phụ thuộc vào độ lớn, màu sắc, vật liệu chế tạo hay vị trí của nó trong không gian. Hoạt động tư duy khái quát hoá của học sinh phổ thông có ba mức độ :
- Khái quát hoá cảm tính : diễn ra trong hoàn cảnh trực quan, thể hiện ở trình độ sơ đẳng.
- Khái quát hoá hình tượng khái niệm : là sự khái quát cả những tri thức có tính chất khái niệm bản chất sự vật và hiện tượng hoặc các mối quan hệ không bản chất dưới dạng các hình tượng hoặc trực quan, các biểu tượng. Mức độ này ở lứa tuổi học sinh đã lớn nhưng tư duy đôi khi còn dừng lại ở sự vật hiện tượng riêng lẻ.
- Khái quát hoá khái niệm: Là sự khái quát hoá những dấu hiệu và liên hệ chung bản chất được trừu xuất khỏi các dấu hiệu và quan hệ không bản chất được lĩnh hội bằng khái niệm, định luật, quy tắc. Mức độ này thực hiện trong học sinh THPT.
Tư duy khái quát hoá là hoạt động tư duy có chất lượng cao, sau này khi học ở cấp học cao, tư duy này sẽ được huy động một cách mạnh mẽ vì tư duy khái quát hoá là tư duy lý luận khoa học.
Phần trên là hoạt động tư duy của học sinh. Những hoạt động này xuất hiện từ lúc trẻ em bắt đầu có hoạt động nhận thức. Tuy nhiên những hoạt động đó có ý nghĩa tích cực khi trẻ em vào tuổi đến trường. Ở trường học, hoạt động tư duy của học sinh ngày càng phong phú, ngày càng đi sâu vào bản chất của sự vật và hiện tượng. Người giáo viên phổ thông có trách nhiệm trong việc tổ chức hướng dẫn uốn nắn những hoạt động tư duy của học sinh.