Đổi mới kiểm tra miệng
Đổi mới kiểm tra miệng không những giúp không khí học tập sinh động mà còn giúp học sinh tránh được lối học vẹt, học thụ động, học đối phó.
Học sinh đối phó với kiểm tra miệng
Qua thực tế giảng dạy, cô Đỗ Thị Sáng – Giáo viên Trường THPT Đinh Chương Dương (Thanh Hóa) cho rằng: Nếu việc kiểm tra miệng không được chú trọng và cơ bản là kiểm tra bài cũ sẽ vừa tốn nhiều thời gian, lại gây tâm lý căng thẳng cho học sinh; hơn nữa, không thể kiểm tra được nhiều em cùng một lúc.
Mặt khác, trong suốt quá trình dạy bài mới, nhiều giáo viên thường chỉ đưa ra những câu hỏi phát vấn trao đổi với học sinh mà ít khi xem đó là một hình thức kiểm tra miệng rất tích cực, do vậy thường không cho điểm để khuyến khích học trò.
Cũng vì thế, dẫn đến tình trạng học sinh rất ngại xung phong lên bảng, trả lời câu hỏi, lâu dần lười trả lời câu hỏi và nhác nghiên cứu tài liệu mới, kiến thức cơ bản không được khắc sâu nên khi áp dụng vào kiểm tra các em sẽ mau quên, kết quả làm bài thấp.
Đối với học sinh công việc học bài cũ và chuẩn bị bài mới là thường xuyên, liên tục trong cả quá trình học. Tuy nhiên, việc thực hiên công việc này của không ít học sinh là rất chểnh mảng.
“Nhiều học sinh học đối phó bằng cách học bài cũ xung phong lên bảng một hôm để lấy điểm cao sau đó không bao giờ xung phong lên bảng nữa” – Cô Sáng cho hay.
Để đối phó với giáo viên, cô Sáng cho biết, nhiều học sinh thường dùng sách “Học tốt Sinh học”, hoặc “Sách giải bài tập” mà không chịu khó học bài cũ, nghiên cứu bài mới hay thực hành các kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tất cả những yếu tố trên làm cho học sinh lười nhác, thụ động trong học tập, chất lượng dạy và học không cao.
Chọn tình huống có vấn đề
Theo cô Sáng, việc kiểm tra để lấy điểm miệng không chỉ thực hiện vào đầu của mỗi tiết học mà tùy theo từng kỹ năng, kiến thức có thể thực hiện vào đầu, giữa hay cuối của tiết học.
Muốn thực hiện được việc kiểm tra miệng đạt kết quả, cô Sáng cho rằng, công tác chuẩn bị của giáo viên rất quan trọng, đặc biệt là chuẩn bị bài soạn.
Bài soạn không phải là khuôn mẫu để giáo viên truyền đạt những hiểu biết của bản thân mình, truyền đạt sự sáng tạo mà để khơi dậy sự sáng tạo của học sinh. Giáo viên phải tiến hành lần lượt các bước tham khảo tài liệu, SGK đến việc lựa chọn nội dung, tình huống có vấn đề.
Có như vậy bài soạn của giáo viên mới chặt chẽ hơn, đảm bảo cho học sinh tiếp thu tri thức chính xác, khoa học hơn.
Công việc chuẩn bị của giáo viên trước hết là phải xác định mục tiêu, nội dung trọng tâm của bài học, từ đó xác định nội dung cần kiểm tra.
Việc chọn những tình huống có vấn đề không chỉ dừng lại ở kiến thức có trong SGK mà giáo viên phải lựa chọn những nội dung, tình huống nào cho phù hợp với khả năng tự phát huy tính tích cực của học sinh.
“Điều quan trọng ở đây là giáo viên phải biết cách sắp xếp các nội dung, tình huống đó như thế nào để khi bắt gặp tình huống, qua quá trình nghiên cứu, học tập, trao đổi học sinh có thể nắm được tri thức bài học một cách dễ dàng” – Cô Sáng nhấn mạnh.
Cùng với việc đưa ra tình huống có vấn đề, cô Sáng lưu ý, giáo viên cần đưa ra một hệ thống các câu hỏi và cách giải quyết vấn đề làm sao buộc học sinh phải huy động vốn tri thức đã có, vận dụng phương pháp tư duy lôgic để giải quyết vấn đề. Câu hỏi đặt ra cho học sinh phải chính xác, rõ để học sinh không hiểu thành hai nghĩa khác nhau dẫn đến việc trả lời lạc đề.
Giáo viên có thể phải thiết kế lại các yêu cầu, bài tập trong sách giáo khoa hay ra các bài tập tương tự để tránh việc các em sử dụng các đáp án trong sách “Hướng dẫn học tốt” nhằm đối phó với giáo viên.
Mặc dù câu hỏi và cách giải quyết vấn đề đã được giáo viên chuẩn bị trước, nhưng tùy theo tình hình học tập của học sinh trong buổi học, trong tiết học mà giáo viên có thể thay đổi câu hỏi và cách giải quyết vấn đề cho phù hợp.
Trong giờ học, các câu trả lời của học sinh có thể không trả lời được nội dung tri thức mà bài học đòi hỏi. Do vậy giáo viên phải chuẩn bị câu hỏi phụ hoặc chủ động giảng giải cho học sinh hiểu được vấn đề.
Bên cạnh sự chuẩn bị của giáo viên, khâu chuẩn bị của học sinh, theo cô Sáng là vô cùng quan trọng. Việc chuẩn bị của học sinh đã được giáo viên yêu cầu và hướng dẫn ngay từ đầu năm học.
Học sinh sau mỗi bài học về nhà cần học bài cũ để nắm được trọng tâm bài học, làm bài tập SGK, sách bài tập, và tài liệu tham khảo nếu có.
Đồng thời, chuẩn bị bài mới bằng cách trước hết đọc lướt qua nội dung bài mới, xác định nội dung chính của bài và tập trả lời các câu hỏi lệnh trong các mục SGK.
Ngoài ra với những bài khó học sinh có thể lập dàn ý của bài theo hướng dẫn của giáo viên trước đó thông qua hình thành hệ thống các câu hỏi và tự trả lời.
Giáo viên cần biết lắng nghe
Cô Sáng cho biết, thái độ và cách đối xử của giáo viên với học sinh có ý nghĩa to lớn trong khi kiểm tra miệng. Giáo viên cần biết lắng nghe câu trả lời, biết theo dõi hoạt động của học sinh và trên cơ sở đó rút ra kết luận về tình trạng kiến thức của học sinh.
Sự hiểu biết của giáo viên về cá tính học sinh, sự tế nhị và nhạy cảm sư phạm trong nhiều trường hợp là những yếu tố cơ bản giúp thấy rõ thực chất trình độ kiến thức và kỹ năng của học sinh được kiểm tra.
Trong quá trình học sinh đang trả lời câu hỏi có thiếu sót hoặc sai, nếu không có lí do gì cần thiết giáo viên cũng không nên ngắt lời của học sinh. Cùng là một sai sót nhưng giáo viên phải biết sai sót nào nên sửa ngay và sai sót nào thì nên đợi học sinh trả lời xong.
Đồng thời, nên phối hợp các cách kiểm tra và cùng một lúc có thể kiểm tra được nhiều học sinh: trong lúc gọi một số học sinh lên bảng thì giáo viên ra cho các học sinh ở dưới lớp câu hỏi khác sau đó sẽ thu vở nháp của một số em để chấm.
Giáo viên có thể gọi nhiều em cùng một lúc, đưa ra yêu cầu khác nhau phù hợp với trình độ của mỗi học sinh, sau đó đặt các câu hỏi cho cả lớp sau khi các học sinh này hoàn thành xong nhiệm vụ của mình.
Ví dụ: “Bạn trả lời như vậy có đúng không?”, “Các em có đồng ý với câu trả lời đó của bạn không?”, “ Có điểm nào sai hoặc thiếu không?”…
Ngoài những câu cơ bản, giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi phụ trong quá trình kiểm tra miệng. Nhờ những câu hỏi bổ sung đó mà giáo viên có thể hình dung được chất lượng kiến thức của học sinh.
Để khắc phục các nhược điểm này, giáo viên có thể thực hiện theo 2 cách như sau:
Gọi cùng lúc 4 học sinh lên bảng
Giáo viên gọi một lượt 4 học sinh lên bảng. Giáo viên đưa ra câu hỏi chung cho tất cả, học sinh nào trả lời được trước thì giáo viên cho phép về chỗ. Các học sinh còn lại sẽ trả lời các câu hỏi phụ hoặc bổ sung cho bạn trả lời trước.
Sau khi học sinh trả lời xong, giáo viên nhận xét, bổ sung để khắc sâu kiến thức cho học sinh, đồng thời cho điểm. Học sinh trả lời nhanh và hoàn chỉnh nhất được cho điểm vào cột M1. Các học sinh khác được cho điểm vào cột M2.
Đây là hình thức kiểm tra đơn giản nhất, dễ thực hiện, có thể áp dụng cho việc kiểm tra bài cũ hoặc củng cố bài. Với cách này học sinh sẽ bớt đi tâm lý lo sợ, e ngại khi kiểm tra miệng và có được nhiều sự lựa chọn hơn.
Cả giáo viên và học sinh cùng tham gia kiểm tra bài
Với cách này, giáo viên gọi học sinh trả lời một câu hỏi kiến thức đã được học và củng cố rất kỹ trong tiết trước (5 điểm), câu thứ hai do một bạn (đang ngồi dưới lớp) hỏi 2 điểm), câu 3 do chính học sinh được gọi hỏi một bạn khác (đang ngồi dưới lớp) (3 điểm).
Số điểm mà em học sinh này đạt được sẽ được ghi vào cột M1, số điểm mà 2 học sinh khác do đặt câu hỏi đúng hoặc trả lời đúng sẽ được ghi vào cột M2. Sau một thời gian quen dần cần nâng cao yêu cầu câu hỏi của học sinh đặt ra cho bạn mình.
Lưu ý: Khi thực hiện cách kiểm này, giáo viên cần linh hoạt gợi ý cho học sinh đặt câu hỏi cho phù hợp với nội dung cần kiểm tra, để không bị lạc đề và đỡ tốn thời gian vào bài mới.
Cách kiểm tra để tự học sinh đặt câu hỏi này không chỉ áp dụng cho kiểm tra miệng mà còn có thể áp dụng với cả khi kiểm tra củng cố cuối bài.
Để phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên có thể ra bài tập về nhà cho các em như sau:
Dựa vào phần bài học mỗi em sẽ ra 5 câu hỏi tương tự, 2 câu trắc nghiệm khách quan, 3 câu tự luận, vừa vận dụng lý thuyết, vừa có liên hệ thực tế.
Tiết học tiếp theo, giáo viên sẽ thu toàn bộ và chọn ngẫu nhiên bài của một số học sinh, sau đó gọi học sinh cầm những câu hỏi đó để làm bài kiểm tra miệng của mình.
Cả lớp cùng tham gia kiểm tra miệng
Giáo viên gọi 5 – 6 học sinh lên ngồi các dãy bàn đầu, mỗi học sinh mang theo 1 tờ giấy có đánh số thứ tự từ 1 đến 10, học còn lại sẽ cùng làm và dùng vở nháp để ghi các đáp án tương ứng.
Giáo viên đọc các câu hỏi lần lượt từ 1 đến 10 và yêu cầu học sinh ghi các đáp án tương ứng. Sau đó, thu bài của học sinh được gọi lên và 1 vài bài của học sinh ngồi bên dưới để chấm điểm.
Mỗi câu đúng tương ứng với 1 điểm. Sau đó giáo viên có thể ra thêm câu hỏi phụ với nội dung kiến thức khó hơn, khuyến khích học sinh xung phong trả lời lấy điểm cao hơn.
Bằng cách này, giáo viên có thể kiểm bài cũ hoặc kiểm tra miệng phần củng cố bài bằng các câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn hoặc các câu hỏi có phần trả lời ngắn gọn