Thay đổi ngay nếu không muốn hủy hoại đời con, tương lai một màu u tối
Chúng ta phải thừa nhận rằng, con người trên thế giới này được chia thành nhiều tầng lớp khác nhau. Và các bậc cha mẹ cũng vậy. Cha mẹ tài giỏi không chỉ đủ đầy về vật chất mà còn luôn duy trì được tinh thần lạc quan, không chỉ có cuộc sống chất lượng cao mà còn có thể hỗ trợ cuộc đời con cái, giúp con tránh khỏi đường vòng.
Còn một số bậc cha mẹ cả đời thiếu bản lĩnh không những khổ cực mà còn kéo những đứa con xuống bùn sâu, khiến con cái cả đời phải sống dưới vực đáy.
Cha mẹ càng kém cỏi càng quan tâm đến những chuyện sau, khiến cuộc đời con có thể bị hủy hoại.
Đề cao sự hy sinh của bản thân, luôn nói rằng “cha mẹ làm tất cả vì con”
Sinh con là lựa chọn của cha mẹ. Còn việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Nhưng một số bậc cha mẹ coi trách nhiệm và nghĩa vụ này là sự hy sinh. Đối với con cái họ mỗi ngày, mỗi khi con làm sai, họ sẽ nói rằng: “Cha mẹ vì con, tất cả vì con”, “Nếu không phải vì con thì cha mẹ sẽ có cuộc đời tốt hơn”,…
Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều cha mẹ đề cao sự hy sinh của bản thân. Cách giáo dục này một mặt khiến trẻ cảm thấy tội lỗi và áy náy. Trẻ sẽ cảm thấy chính sự tồn tại của mình đã khiến cha mẹ khổ cực.
Rồi trong cuộc sống, đứa trẻ trở nên thận trọng trước mọi việc, học cách chiều lòng cha mẹ. Trẻ kìm nén lại nhu cầu bản thân. Thậm chí là trở thành người coi thường giá trị bản thân. Một người như vậy sẽ khó có được hạnh phúc trong cuộc đời.
Mặt khác, cha mẹ đề cao nỗ lực của họ trước mặt con cái dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý chống đối. Trẻ sẽ cho rằng tình cảm gia đình là có điều kiện, dẫn đến việc trẻ muốn thoát khỏi gia đình, thoát khỏi mối quan hệ với cha mẹ.
Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm về mặt giá trị đạo đức, để lại hệ lụy khôn lường. Từng có một câu chuyện xảy ra tại Trung Quốc như sau: Có gia đình nọ mất tích con gái trong suốt hơn 20 năm. Trước đây, họ cho con đi du học ở châu Âu. Thời gian đầu, con gái còn thường xuyên liên lạc nhưng càng về sau, những cuộc gọi ít dần rồi bặt vô âm tín. Cha mẹ cô rất đau lòng, dốc cạn tiền bạc để đi tìm con. Họ không biết con giờ sống chết ra sao.
Được truyền thông hỗ trợ nên cuối cùng họ cũng tìm ra được con gái. Cư dân mắng cô gái thậm tệ, chỉ trích cô là đứa con bất hiếu, bội bạc. Chỉ khi nghe lý do cô chia sẻ, mọi người mới bàng hoàng. Hóa ra lý do khiến cô gái muốn cắt đứt mối quan hệ với cha mẹ mình là vì họ luôn nói về sự hy sinh của bản thân. Vì cô, cha mẹ phải sống cực khổ. Vì cô, cha mẹ phải dốc cạn tiền cho cô ra nước ngoài học tập,…
Càng về sau, cô thấy mệt mỏi, áp lực, không dám đối mặt. Cuối cùng, cô gái đã chọn cách tiêu cực là không liên lạc với cha mẹ nữa.
Luôn thích khoe khoang con cái để giữ thể diện
Những người kém năng lực trong cuộc sống chú ý nhiều đến thứ phù phiếm bên ngoài đem lại như: Vật chất, thể diện, thành tựu ảo,…. Cha mẹ kém cỏi cũng vậy. Cha mẹ càng kém cỏi càng mong muốn có được thể diện thông qua con cái.
Họ gói ghém con như những món quà để có thể mang đi khắp đó đây khoe khoang. Họ hoàn toàn không quan tâm đến ý kiến, cảm xúc của con. Họ chẳng cần biết con có cảm thấy hạnh phúc, thoải mái hay không.
Trong mắt những bậc cha mẹ kiểu này, con cái là công cụ để so sánh, để khoe khoang. Có thể bản thân cha mẹ không làm được nên họ mong muốn con phải đạt được dù có “trầy da tróc vẩy”. Họ không quan tâm đến con, chỉ muốn giữ thể diện trước mặt người ngoài. Điều này khiến đứa trẻ trở nên mệt mỏi, áp lực vô cùng.
Cha mẹ càng kém cỏi, càng không biết thương con. Họ chỉ coi con là người nối dõi gia đình, phụng dưỡng khi họ về già.