Chiến thuật lấy điểm 10 Hóa học kỳ thi Học kỳ 1 lớp 10,11,12
Kỳ thi học kỳ 1 đang cận kề nhưng còn nhiều bạn học sinh vẫn chưa tự tin cho “cuộc chiến” sắp tới nhất là đối với môn Hóa. Sau đây thầy sẽ giới thiệu đến các em một số chiến thuật dành điêm 10 môn hóa trong kỳ thi học kỳ 1 lớp 10, 11 và 12.
GIỚI HẠN KIẾN THỨC ÔN TẬP
Các em cần tập trung, rà soát thật kĩ phần kiến thức trọng tâm của từng bài/chương trong đề cương ôn thi học kỳ I ở trên trường. Đồng thời, hệ thống hoá lại lý thuyết, đặc biệt là những nội dung khó – hay quên/nhầm lẫn (nên kết hợp viết khi ôn để nhớ lâu hơn, và dùng bút nhớ dòng/bút đỏ để đánh dấu những nội dung quan trọng).
Bên cạnh đó, các em cũng cần ôn tập lại những dạng bài quan trọng trong chương trình, xem/làm lại những ví dụ điển hình nhất. Cụ thể:
Đối với lớp 10: các em cần tập trung vào dạng toán về cấu tạo nguyên tử; viết cấu hình electron; sự biến đổi tuần hoàn; các dạng toán xác định tên nguyên tố (2 nguyên tố kế tiếp, xác định nguyên tố từ oxit và hợp chất với hiđro…); xác định và biểu diễn liên kết trong phân tử; xác định hoá trị và số oxi hoá; phương pháp cân bằng các phản ứng oxi hoá khử từ đơn giản đến phức tạp; phương pháp giải toán theo bảo toàn electron (tham khảo thêm hệ thống các bài giảng lý thuyết cũng như phương pháp giải các dạng toán trọng tâm trong Chương trình HOÁ HỌC 10.
Đối với lớp 11: các em cần nhấn mạnh vào tính pH; phương pháp giải toán bằng phương trình ion rút gọn & bảo toàn điện tích; các dạng toán HNO3; bài toán về tính khử của CO; bài toán CO2 tác dụng dung dịch kiềm; bài toán muối cacbonat; phương pháp lập CTPT hợp chất hữu cơ; phương pháp viết đồng phân … (tham khảo thêm hệ thống các bài giảng lý thuyết cũng như phương pháp giải các dạng toán trọng tâm trong Chương trình HOÁ HỌC 11).
Đối với lớp 12: các em cần đi sâu vào phần Este và các dạng bài toán trọng tâm; Lipit; Cacbohiđrat và các dạng toán trọng tâm; Amin – Amino axit – Peptit – Protein; Polime; Đại cương về kim loại và những dạng toán trọng tâm … (tham khảo thêm hệ thống các bài giảng lý thuyết cũng như phương pháp giải các dạng toán trọng tâm trong Chương trình NEW PRO-S và Pro A).
CHIẾN THUẬT LÀM BÀI THI
Đặc biệt, để giành chọn vẹn điểm 10 tuyệt đối trong bài thi, các em cần phải có 1 chiến thuật kĩ càng. Theo kinh nghiệm của thầy thì các em nên:
Đầu tiên là đọc lướt toàn bộ đề để nhận diện và phân loại câu hỏi theo độ khó.
Tiếp theo sẽ làm theo tuần tự từ dễ đến khó (những câu khó nhất để cuối cùng, còn thời gian mới làm; nhớ là câu càng khó thì điểm càng ít, trong khi câu càng dễ điểm càng nhiều), câu dễ – ngắn – quen làm trước, câu khó lạ – dài làm sau.
Trong khi làm bài thi phải thật nghiêm túc, cẩn thận trong từng bài, tránh chủ quan dẫn đến mất điểm đáng tiếc.
Đọc thật kĩ đề và gạch chân dưới những từ “khoá” mang tính chất quyết định của câu hỏi. Câu dễ cần làm nhanh, nhưng không làm ẩu mà phải chắc đúng. Câu khó thì cần dành nhiều thời gian hơn để xử lý.
Đối với bài tập toán: kết hợp vừa đọc đề vừa chuyển các số liệu đề cho về số mol (ghi ngay trên số liệu của đề bài). Nên tóm tắt bài thành sơ đồ để có cái nhìn bao quát, từ đó giải nhanh và dễ dàng hơn (chú ý sử dụng các phương pháp đặc trưng như bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron…).
Chú ý kiểm soát thời gian làm bài và phân bố thời gian hợp lý, tránh dành thời gian quá nhiều cho một câu (nên có đồng hồ đeo tay).
Cuối cùng phải cố gắng hết sức để hoành thành bài làm, tuyệt đối không nộp bài trước khi hết giờ. Nếu “nghĩ” không ra hướng làm thì nên “viết nháp” ra, hoặc “thử” các phương án có thể …
Bên cạnh đó, với bài thi tự luận các em cần:
+ Trình bày rõ ràng, sạch đẹp (nếu chữ xấu cũng cố gắng viết to, rõ nét, không dính vào nhau, và không nhem nhuốc) đặc biệt là trang đầu tiên nên chọn bài dễ nhất để làm, qua đó tạo được cảm tình với người chấm cũng như “cảm giác” và “hưng phấn” làm bài.
+ Sau mỗi câu có thể cách dòng để dễ phân biệt.
+ Với bài toán tự luận, sau khi làm xong nên ghi rõ đáp án, hoặc có thể đóng khung đáp án đó, giúp Thầy/Cô dễ dàng nhận ra khi chấm.
+ Với câu hỏi khó, khi thấy không thể làm ra hoặc gần hết giờ thì có thể làm được bất kì ý nhỏ hay phần nào cũng nên tận dụng thời gian còn lại và viết vào bài.
Đối với bài thi trắc nghiệm:
+ Thông tin không chỉ nằm trong đề bài còn có ở 4 đáp án, đôi khi thông tin ở đáp án mới đóng vai trò quyết định. Vì vậy, phải biết so sánh 4 đáp án, phân tích, loại trừ, kết hợp với thông tin từ đề bài để xác định hướng giải, từ đó có thể tìm ra đáp án đúng và nhanh.
+ Nên tô đáp án theo nhóm câu hỏi, thông thường làm được khoảng 10 câu thì nên tô ngay (tránh tô từng câu rời rạc sẽ mất nhiều thời gian). Kiểm tra cẩn thận trước khi tô để tránh bị nhầm.
+ Với câu hỏi khó, khi thấy bế tắc, nên vận dụng mọi kĩ năng có thể có để “tìm” đáp án đúng, như “dấu hiệu chia hết”, “thử nghiệm”, “chặn khoảng” …
+ Tô đủ tất cả các câu phải làm trong đề lên phiếu trả lời trắc nghiệm và kiểm tra trước khi nộp bài (tuyệt đối không vì “quân tử” mà để trống những câu chưa làm!)
Trên đây là những chia sẻ của thầy về chiến thuật lấy điểm 10 trong kỳ thi học kỳ 1. Cách làm này sẽ giúp các em được tăng cơ hội thêm điểm số.
Chúc các em có sự chuẩn bị tốt và đạt kết quả cao nhất so với năng lực của mình!
(Theo moon)
Leave a Reply