Theo góc nhìn nhận của thầy Đinh Đức Hiền, mình chia sẻ và lưu lại để bạn bè và ai đó quan tâm sẽ đọc và tìm hiểu
1. Những vấn đề dư luận và thực tế
Hai năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến việc điểm chuẩn Đại học tăng cao, thậm chí “lạm phát” ở một số ngành, một số trường và dư luận hướng câu hỏi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng Đề thi thiếu sự phân hóa, nên trả lại kì thi Đại học cho các trường. Rất nhiều người rõ ràng không hiểu về tình hình kì thi.
Thứ nhất, tôi xin khẳng định ra đề thi phân hóa không hề khó với khả năng của Bộ, nhưng vấn đề nó phải phù hợp với thực tiễn và định hướng những năm tiếp theo.
Thứ hai, do tình hình dịch Covid, việc học của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn, chất lượng dạy và học vốn đã không đồng đều ở các nơi thì lại càng chênh lệch, do đó việc ra đề thi phù hợp trong tình hình này mới là điều quan trọng nhất, chúng ta đôi khi chỉ nhìn vào một số ngành, trường cao chót vót mà không nhìn vào bức tranh toàn cảnh.
Thứ ba, năm 2020 kì thi THPTQG đã đổi thành kì thi Tốt nghiệp THPT, phù hợp với Luật giáo dục mới, đồng thời hướng tới những thay đổi căn bản về dạy và học, tuyển sinh đại học những năm tiếp theo. Vậy cần phải xác định, đã là đề thi với mục đích chính là tốt nghiệp thì cũng đừng mong đòi hỏi sự phân hóa như những năm kì thi THPTQG. Dư luận thắc mắc vậy tại sao không trả việc tuyển sinh ngay lập tức về các trường Đại học? Theo Luật giáo dục mới, các trường Đại học tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, tuy nhiên lâu nay các trường Đại học vốn phụ thuộc vào thì thi THPTQG, để có thể ngay lập tức tổ chức một kì thi tuyển sinh riêng là không hề đơn giản, và không phải trường nào cũng làm được. Tiếp nữa, sự thay đổi phải không gây bất ổn trong xã hội, làm thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu thi riêng, vừa không gây tốn kém cho xã hội, phụ huynh và học sinh như kì thi chung hiện nay đang làm được, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Do đó giải pháp đưa ra đó là tuyển sinh theo nhóm trường, nhóm ngành. Xin thưa rằng chúng ta không thể quay trở lại với việc mỗi trường thi một ngày, một đề như trước đây. Đây cũng là điều mà Bộ Giáo dục khuyến khích các trường.
Thứ tư, thực tế 3 năm trở lại đây, các trường Đại học lớn như Đại học Quốc gia HCM đã tổ chức kì thi tuyển sinh riêng là Đánh giá năng lực, được đánh giá cao và có đến 72 trường đã đăng ký sử dụng kết quả kì thi để tuyển sinh. Tiếp đó là kì thi Đánh giá tư duy của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, kì thi Đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia HN, nhưng rất tiếc vì ảnh hưởng nặng nề của Covid mà các kì thi đã không thể diễn ra như kế hoạch. Tôi tin chắc rằng nếu không phải vì dịch bệnh 2 năm vừa qua thì các kì thi này đã phát huy vai trò rất lớn, và dần thay thế tuyển sinh Đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
2. Xu hướng tuyển sinh Đại học 2022 và những năm tới
Đề thi đánh giá năng lực, Đề thi đánh giá tư duy với ưu thế rất lớn trong việc đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh, tránh học tủ, tiệm cận với xu hướng ra đề trên thế giới, phù hợp với định hướng đổi mới toàn diện dạy và học và chương trình THPT mới. Do đó các kì thi này chắc chắn sẽ là chủ đạo trong tuyển sinh đại học những năm tới. Sự hình thành các trung tâm khảo thí lớn, tuyển sinh theo nhóm trường tất yếu sẽ diễn ra. Đại học Quốc gia HCM tiếp tục phát huy ưu thế của mình trong những năm vừa qua và đóng vai trò quan trọng ở miền Nam. Tại Miền Bắc, hiện tại 2 trường ĐH lớn đóng vai trò đầu tàu là Đại học Quốc gia HN và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại có 8 trường đăng ký sử dụng kết quả kì thi đánh giá tư duy của ĐHBK HN và tin chắc rằng con số này tăng lên sắp tới. Đại học Quốc gia HN với ưu thế có trung tâm khảo thí lớn, ngân hàng đề đa dạng, đại học đa ngành chắc chắn kì thi đánh giá năng lực sẽ phù hợp với rất nhiều trường đại học, thời gian tới chúng ta sẽ được chứng kiến điều này. Một ưu thế nữa đó là việc tuyển sinh nhiều đợt trong năm sẽ giảm bớt gánh nặng tâm lí thi cử, tâm lý một kì thi quyết định duy nhất, và sẽ nhiều cơ hội hơn cho học sinh.
Thực tế, khi tự chủ Đại học, bài toán tuyển được thí sinh sẽ đặt lên hàng đầu, nó là vấn đề sống còn của mổi trường, vì thế các trường buộc phải đa dạng hóa phương thức hoặc tạo ra những thương hiệu riêng trong tuyển sinh. Khi đó lẽ dĩ nhiên tỉ lệ chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi THPT sẽ ngày càng giảm xuống.
Vậy các trường có khả năng không tuyển sinh bằng điểm thi THPT hay không? Điều này là khó xảy ra, do kì thi THPT vẫn là một tham chiếu tốt và phù hợp với phần lớn các trường, tuy nhiên tỉ lệ này sẽ ngày càng giảm xuống, thậm chí nhiều trường sẽ giữ ở mức 15-20%. Sắp tới xuất hiện hai xu hướng, xu hướng đẩy mạnh tuyển sinh bằng kì thi riêng, và xu hướng đẩy mạnh tuyển sinh bằng học bạ. Và tất nhiên những trường đẩy mạnh tuyển sinh bằng học bạ thường là các trường vốn có điểm chuẩn thấp, ít là lựa chọn hàng đầu của thí sinh.
3. Đề thi Tốt nghiệp THPT
Đương nhiên khi kì thi tuyển sinh riêng lên ngôi thì vai trò của đề thi Tốt nghiệp THPT sẽ tự khắc dần trở về đúng nghĩa. Như vậy độ khó sẽ giảm đi, đây sẽ là áp lực rất lớn lên các trường TOP như Y dược khi chưa thống nhất được phương án tuyển sinh riêng, buộc các trường này nhanh chóng họp bàn thống nhất phương án tuyển sinh riêng cho nhóm ngành sức khỏe. Bắt đầu từ năm 2022, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi, đề thi sẽ nghiêng về bản chất môn học nhiều hơn, phù hợp với chương trình THPT mới.
Như vậy, những cơ hội mới nhưng cũng là thách thức mới đến với học sinh, chỉ có thích nghi mới giúp học sinh vượt qua được. Chắc chắn trong những năm tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực trong giáo dục. Suy cho cùng chỉ khi nào thi cử thay đổi, việc học mới thay đổi !
P/s: Thầy Đinh Đức Hiền có chia sẻ
Bài này dài rồi nên mình không viết chi tiết về tuyển sinh khối ngành Sức khỏe và Sư phạm, hai khối ngành đặc thù, mình sẽ viết ở bài viết tiếp nhé các bạn !
Leave a Reply