Ngành Công nghệ sinh học là gì? Ra trường làm gì?
“Ngành Công nghệ sinh học là gì? Ra trường làm gì?” là câu hỏi được hầu hết thí sinh đặt ra khi tìm hiểu về ngành Công nghệ sinh học – một trong những ngành học hấp dẫn của lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ. Đây là mối băn khoăn hoàn toàn dễ hiểu, vì để học tốt và thành công trong bất cứ ngành nghề nào, điều quan trọng đầu tiên là bạn phải hiểu rõ ngành học đó là gì và cơ hội nghề nghiệp ra sao.
Bài viết dưới đây sẽ giúp cho những bạn đang mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học giải tỏa được niềm trăn trở chính đáng này. “Ngành Công nghệ sinh học là gì? Ra trường làm gì?” , chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, trả lời và định hướng tương lai các bạn nhé.
Ngành Công nghệ sinh học là gì ?
Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩn và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Cụ thể, các sản phẩm của ngành Công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như: sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường;…
Đối với trình độ đại học, ngành Công nghệ sinh học thường được phân thành các chuyên ngành tùy theo mục đích ứng dụng: Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, ứng dụng trong thực phẩm, ứng dụng trong môi trường. Ngoài khối lượng kiến thức nền tảng về lĩnh vực sinh học, kỹ thuật và công nghệ, các chuyên ngành này còn được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm. Sinh viên có khả năng thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích số liệu; sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại của công nghệ sinh học.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng các vấn đề cấp thiết về môi trường, thực phẩm, nông nghiệp,.. đang được xã hội quan tâm. Trước tình hình nhiều trung tâm nghiên cứu được thành lập để giải quyết các vấn đề trên, cùng những lợi thế đầy tiềm năng đến từ ngành công nghệ quan trọng này, ngành Công nghệ sinh học đã trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của thời đại công nghệ cao. Từ việc vận hành, bảo trì các thiết bị ứng dụng hiện đại cho đến nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ sinh học, điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm tại các nhà máy đều đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia am tường về công nghệ sinh học.
Học ngành Công nghệ sinh học ra trường làm gì?
Hiện nay, có nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cũng như hàng loạt cơ sở triển khai ứng dụng Công nghệ sinh học đã được hình thành. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện đang thiếu nên triển vọng nghề nghiệp dành cho người theo học Công nghệ sinh học là rất lớn. Đây chính là cơ hội cho các cử nhân ngành Công nghệ sinh học có thể lựa chọn việc làm với mức lương hấp dẫn cùng với chế độ ưu đãi tốt.
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vai trò vị trí khác nhau như: Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các nhà máy sản xuất dược phẩm, thực phẩm; Chuyên viên công nghệ sinh học tại các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản; các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật; Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; cán bộ xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa.
Để tự tin nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn này, song song với kiến thức chuyên ngành, việc trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm là một yêu cầu không thể thiếu đối với sinh viên ngành Công nghệ sinh học. Chẳng hạn tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, Bách Khoa Hà Nội hoặc Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – một trong những trường đại học uy tín đào tạo ngành Công nghệ sinh học, sinh viên sẽ đặc biệt được chú trọng đào tạo kỹ năng tiếng Anh để có thể dễ dàng tiếp xúc với những tài liệu tham khảo, quy trình vận hành công nghệ, những thành tựu mới về công nghệ sinh học của thế giới. Ngoài ra, sinh viên ngành Công nghệ sinh học sẽ được trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm,… để có thể tự tin làm việc và khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.
Với những điều đã trình bày, có lẽ “Ngành Công nghệ sinh học là gì? Ra trường làm gì?” đã không còn là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, bạn có phù hợp để theo học ngành Công nghệ sinh học không, ngành Công nghệ sinh học xét tuyển những tổ hợp môn nào, điểm trúng tuyển của ngành Công nghệ sinh học khoảng bao nhiêu, có những trường nào uy tín đào tạo ngành Công nghệ sinh học,… là những câu hỏi bạn sẽ phải tiếp tục trả lời nếu thực sự mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học và trở thành một cử nhân thành công trong tương lai.
Các chuyên ngành của Công nghệ sinh học gồm: Công nghệ vi sinh, Công nghệ tế bào, Công nghệ mô – công nghệ protein – enzym và kỹ thuật di truyền, Công nghệ sinh học nông nghiệp, Công nghệ sinh học công nghiệp, Công nghệ sinh học môi trường, Công nghệ sinh học thực phẩm, Công nghệ sinh học y dược, tin – sinh học.
Ngành Công nghệ sinh học xét tuyển các tổ hợp môn sau:
A00: Toán – Lý – Hóa học
B00: Toán – Hóa học – Sinh học
B03: Toán – Sinh học – Ngữ văn
D08: Toán – Sinh – Tiếng Anh
A01: Toán – Lý – Tiếng Anh.
Danh sách trường đào tạo Công nghệ sinh học
Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Công nghệ sinh học và xét tuyển đầu vào các tổ hợp môn khác nhau. Vì vậy, để các phụ huynh và thí sinh chọn được một ngôi trường đào tạo ngành Công nghệ sinh học tốt nhất là điều không dễ dàng. Danh sách dưới đây sẽ giúp các bạn tìm ra được một trường đại học phù hợp để theo học ngành này.
– Khu vực miền Bắc:
Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
Học viện Nông nghiệp Viêt Nam
Đại học Nông lâm Bắc Giang
Đại học Phương Đông
Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên
Đại học Lâm nghiệp
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Viện Đại học Mở Hà Nội
Đại học Đông Đô
Đại học Thành Tây
Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
Đại học Công nghiệp Việt Trì
Đại học Hải Phòng
Đại học Hùng Vương
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
– Khu vực miền Trung:
Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
Đại học Nha Trang
Đại học Vinh
Đại học Đà Lạt
Đại học Tây Nguyên
Đại học Yersin Đà Lạt
Đại học Công nghệ Vạn Xuân
Đại học Khoa học (Đại học Huế)
– Khu vực miền Nam:
Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM
Đại học Mở TP. HCM
Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM
Đại học Công nghiệp TP. HCM
Đại học Cần Thơ
Đại học Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM
Đại học Công nghiệp TP.HCM
Đại học Nông lâm TP.HCM
Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Nguyễn Tất Thành
Đại học Văn Lang
Đại học An Giang
Đại học Cần Thơ
Đại học Kiên Giang
Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ
Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
Đại học Tiền Giang
Đại học Trà Vinh
Đại học Bình Dương
Đại học Công nghệ Đồng Nai
Đại học Dân lập Cửu Long
Đại học Dân lập Lạc Hồng
Đại học Tân Tạo
Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học
Theo học ngành Công nghệ sinh học, khi ra trường, sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể dễ dàng xin việc tại các vị trí sau:
Giảng dạy Sinh học (một số môn sinh học thực nghiệm) và công nghệ sinh học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường THPT.
Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học ở các viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, các trường đại học và cao đẳng.
Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học và Công nghệ sinh học của các ngành hoặc các địa phương (bộ, sở, phòng…), các trung tâm, tỉnh, thành phố, quận, huyện.
Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, nông, lâm, ngư, y dược, khoa học hình sự, công nghiệp nhẹ.
Tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y dược.
Những tố chất phù hợp với ngành Công nghệ sinh học
Để có thể học tốt và thanh công trong ngành Công nghệ sinh học, người học cần có những tố chất, kỹ năng sau:
Có đam mê với khoa học và công nghệ;
Có sự chăm chỉ, cẩn thận và tư suy logic;
Trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tin học;
Học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Sinh học;
Ham học hỏi và khả năng tự tìm hiểu;
Chịu được áp lực công việc.
Trên đây là những thông tin thí sinh cần nắm về ngành Công nghệ sinh học. Hy vọng bài viết sẽ đem đến thông tin hữu ích cho bạn đọc và giúp các bạn lựa chọn được ngành học phù hợp với bản thân.