Đề thi tốt nghiệp THPT môn hóa – Năm 2023 có nhiều lỗi?
Contents
Một số giảng viên, giáo viên môn hóa phản ánh vài câu trong đề thi hóa học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 “có nhiều lỗi”.
Theo phản ánh của thầy cô trên một số diễn đàn, Page, và trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 1-7, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hóa học mã đề 201 có một số câu sử dụng câu từ chưa chặt chẽ, thông tin chưa chính xác và thiếu logic.
Trên FB thầy Ngô Xuân Quỳnh – Ngày 29/06: https://www.facebook.com/hoahoc.org/posts/pfbid0mFHetCLhXjqQkVTYmWnpvwCfgizuj9GFccwchLPEsYz27KH3UxVf6nCSjqkaoZBPl
Trên Groups CLB GV Hóa Học: https://www.facebook.com/groups/giaovienhoahoc/posts/3527716500791757/
————————
Trên fanpage Luyện Thi Hà Thành – 0979817885, Tạp chí Kem, … Group CLB Giáo Viên Hóa – nhiều chuyên gia, giáo viên hóa cũng đăng đàn nêu ý kiến.
Nhận định chung của các chuyên gia về tổng thể, đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn hóa có cấu trúc tương tự các năm gần đây (với khoảng 75% câu hỏi lý thuyết, còn lại là các câu hỏi liên quan đến tính toán – thường gọi “toán hóa”).
Xét về độ khó, đề thi vẫn có thể phân loại học sinh khá giỏi với trung bình. Tuy nhiên, xét kỹ về nội dung – trên tinh thần xem “hóa học là khoa học thực nghiệm” – thì đề thi vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế.
Những hạn chế này có thể được chia thành ba nhóm chính.
Đề thi nhiều lỗi câu từ chưa chặt chẽ
Ở câu 43:
Dung dịch làm “quỳ tím chuyển sang màu đỏ” thường được hiểu là “có tính acid”. Nên phương án khả dĩ nhất là A (HCl). Tuy nhiên, đề bài cần chặt chẽ hơn bằng việc đưa ra nồng độ cụ thể của mỗi chất (ví dụ, đều là nồng độ 0.1 M), vì nếu dung dịch acid quá loãng (ví dụ, HCl 10⁻⁸ M có pH chỉ khoảng 6.98, xấp xỉ môi trường trung tính) thì cũng không làm quỳ chuyển sang màu đỏ.
Theo các giáo viên, những lỗi câu từ chưa chặt chẽ này thường không ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn của thí sinh, tuy nhiên cũng có một số trường hợp có.
Dẫn chứng về việc này, các giáo viên nêu ra câu 54:
Ngụ ý của người ra đề có lẽ muốn nói đến các phản ứng diễn ra trong lò cao với CO để chuyển Fe₂O₃ thành Fe (đáp án C. nhiệt luyện). Tuy nhiên, “nhiệt luyện” chỉ là phương pháp phổ biến để sản xuất sắt trong công nghiệp.
“Điện phân nóng chảy” (đáp án D) Fe₂O₃ để sản xuất Fe (sử dụng các hệ chất điện giải như B₂O₃–Na₂O) không chỉ được áp dụng trong thực tế, mà còn là một phương pháp đầy hứa hẹn khi có thể giúp giảm phát thải carbon.
“Nếu như đề bài viết “Trong công nghiệp, kim loại Fe thường được sản xuất trực tiếp từ Fe₂O₃ bằng phương pháp…” thì phương án C đúng. Còn trong trường hợp câu 54 này, cả C và D đều có thể chấp nhận được”, nhóm giảng viên nhận định.
Đưa thêm thông tin bổ sung chưa chính xác hoặc thừa
Theo các giảng viên, trong đề thi hóa, ngoài phần câu hỏi chính, người ra đề thường cung cấp thêm các thông tin liên quan, nhằm tăng độ thực tế của câu hỏi.
Nếu như “việc đưa thông tin vào khiến bài toán trở nên gần gũi hơn với thực tế, giúp học sinh dễ dàng hình dung và áp dụng kiến thức” hoặc “giúp học sinh tăng sự hứng thú làm bài” thì rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, trong đề thi THPT vừa qua các thông tin bổ sung được đưa vào chưa tốt.
Một giảng viên cho rằng: “Thực tế, hiện nay NaHCO₃ không còn được khuyến cáo dùng trong điều trị chứng đau dạ dày vì gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, thông tin này không nên đưa vào đề thi THPT – vốn sẽ còn được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy nhiều năm sau”.
Một ví dụ khác là câu 76, với dòng dữ kiện “phương pháp phân tích phổ khối lượng (phổ MS) cho biết E có phân tử khối bằng 118”.
Câu 76 này là dạng câu hỏi “cổ điển” của hóa học hữu cơ, liên quan đến việc xác định các phần cấu trúc (nhóm chức) dựa vào những phản ứng đặc trưng. Đề bài chỉ cần cho biết “E có phân tử khối bằng 118” là đủ, còn dòng thông tin về “phổ khối lượng” trước đó là hoàn toàn thừa.
Cách ‘thiết kế’ bài toán hóa thiếu logic
Các giảng viên cũng nhận định hóa học là “khoa thực nghiệm” nên các bài toán hóa phải dựa vào thực tế đã được kiểm chứng.
Khi thiết kế một bài toán hóa, điều đầu tiên cần xác định mục tiêu của bài toán (cần kiểm tra kiến thức, kỹ năng nào của học sinh và mức độ khó phù hợp).
Sau đó, dựa vào các hiện tượng thực tế hoặc những công trình nghiên cứu đã được kiểm chứng, để “mô hình hóa” thành bài toán phù hợp.
Tuy nhiên, hầu hết bài toán hóa trong đề thi THPT không dựa vào thực nghiệm, mà được xây dựng bằng cách “trộn lẫn lý thuyết” và “lựa chọn số liệu phù hợp”. Dẫn đến việc đa số các thí nghiệm được mô tả trong đề rất khó để tiến hành trong thực tế, thậm chí phi lý.
Ví dụ, trong câu 79:
Họ cho rằng nếu xem đây là một bài toán “máy móc” thì phương án đúng là C. 8,88. Tuy nhiên, bài toán rất phi lý về mặt thực nghiệm:
Thứ nhất, không tồn tại một hỗn hợp như X (chứa các kim loại mạnh như Na, Ba ở dạng đơn chất) trong tự nhiên. Nếu đây là hỗn hợp nhân tạo, thì tại sao lại phải mất công tiến hành một loạt thí nghiệm (thậm chí, cho kim loại nhẹ và hoạt động mạnh như Na vào nước dễ gây ra cháy nổ) mà không… đem lên cân?
Thứ hai, để có thể dựng được đồ thị như trong đề thì phải liên tục lấy mẫu (với thao tác thật chuẩn và giữ cho điều kiện phân tích thật ổn định) để theo dõi lượng kết tủa tạo thành. Không có phòng thí nghiệm nào đủ khả năng để làm được như vậy.
Một ví dụ khác, câu 77:
“Một trong những đặc trưng của phản ứng có sự tham gia của chất hữu cơ là “phản ứng thường diễn ra không hoàn toàn”. Tuy nhiên, trong bài toán này không chỉ diễn ra “hoàn toàn” mà một số phản ứng chỉ cần lượng chất “vừa đủ” (phản ứng của hỗn hợp ester E với NaOH). Điều này hoàn toàn phi lý về mặt thực nghiệm”, một giảng viên nhận định.
Ban đề thi cấp quốc gia sẽ xem xét
Sáng 1-7, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với ông Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – để trao đổi về những phản ánh của giáo viên liên quan đề thi môn hóa. Ông Chương cho biết mới chỉ nghe phản ánh nên sẽ trao đổi với bộ phận làm đề và có trả lời sau.
“Những ý kiến phản ánh về đề thi tốt nghiệp THPT báo cứ gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng và các chuyên gia trong ban đề thi cấp quốc gia sẽ xem xét và chính thức có câu trả lời sau”, ông Chương nói.