Đề thi, đáp án và hướng dẫn giải thi thử THPT môn Hóa học
Thi thử trực tuyến THPT quốc gia môn Hóa học lần 3 vào 13/4/2016 đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn thí sinh. Bạn Hoàng Tùng Nam – học sinh lớp 12, THPT chuyên Amsterdam là thí sinh có điểm thi cao nhất trong thời gian thi xét giải. Đánh giá về đề thi sau khi làm bài, Nam cho biết: “Đề thi tương đương với cấu trúc và độ khó của đề thi THPT quốc gia 2015, có những câu mới khá hay nếu thí sinh không chú ý có thể làm sai, mất điểm. Mặc dù có ôn tập khá nhiều nhưng em vẫn làm sai 2 câu, qua đề thi này em cũng rút ra được khá nhiều kinh nghiệm khi đi thi và hoàn thiện thêm kiến thức cho bản thân”.
Đề thi có độ khó tương đương và bám sát theo cấu trúc của đề THPT quốc gia 2015. Đề thi đảm bảo tính phân loại thí sinh, kiến thức phù hợp với xu hướng ra đề THPT quốc gia 2016, có các câu hỏi thực nghiệm, câu hỏi thực tiễn liên quan đến cuộc sống.
+ 30 câu đầu là các kiến thức cơ bản nhưng học sinh nếu không cẩn thận vẫn rất dễ mất điểm. Bên cạnh đó cũng có các câu hỏi thực tế và thí nghiệm.
+ Câu 31-40: Là các câu có độ khó cao hơn, dành cho học sinh khá kiếm điểm 7-8. Các câu lý thuyết thì có các “bẫy” nên nếu học sinh không chú ý có thể mắc phải sai lầm khiến mất điểm (ví dụ câu 31,32). Các dạng bài tập được biến tấu và phát triển từ đề thi năm trước để học sinh làm quen với các dạng bài liên quan.
+ Câu 41-50 là các câu phân loại học sinh giỏi. Câu đồ thị (câu số 44) là một câu khá hay, yêu cầu học sinh cần nắm chắc quá trình điện phân và giá trị PH của dung dịch. Câu hỏi về pep-tit cũng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tốt vì có mức độ khó hơn đề năm 2015.
5 câu cuối để giành điểm 10 yêu cầu học sinh luyện nhiều, nhuần nhuyễn các đề, các dạng bài cùng với việc hiểu sâu bản chất kiến thức và phải có cách xử lí nhanh.
Lưu ý học sinh trong quá trình ôn luyện: “Phần 30 câu hỏi đầu là các kiến thức cơ bản, học sinh không nên chủ quan để tránh mất điểm. Để đạt điểm cao thí sinh cũng cần nắm chắc các dạng đã từng thi năm trước, đặc biệt là các câu lý thuyết để tránh “bẫy” trong đề thi”.