Đáp án đề hóa: Bộ nói đúng, giảng viên nói sai
Trên Báo Người Lao Động, số ra ngày 18-7, có đăng bài “Đáp án đề hóa: Bộ nói đúng, giảng viên nói sai”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục đăng ý kiến của TS Hoàng Ngọc Cường, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, xung quanh đáp án còn gây tranh cãi này
Câu 35, mã đề 492 (khối A): Trong các chất: FeCl2, FeCl3, Fe(NO3)2, Fe(NO3)3, FeSO4, Fe2(SO4)3. Số chất có cả tính ô xy hóa và tính khử là:
A. 5.
B. 4.
C. 2.
D. 3.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Cường, giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, lập luận: Các muối của Fe2+ đều có cả tính ôxy hóa và tính khử do có số ôxy hóa là +2.
Ví dụ: Fe2+ – 1e -> Fe3+: tính khử
Fe2+ + 2e -> Fe: tính ôxy hóa
Các muối của Fe3+ chỉ có tính ôxy hóa (Ví dụ: Fe3+ + 1e -> Fe2+).
Tuy nhiên cần xét tiếp anion.
(a) Cl– chỉ có tính khử, do có số ôxy hóa thấp nhất
(Ví dụ: 2Cl– – 2e -> Cl2)
(b) NO3– chỉ có tính ôxy hóa do N có số ôxy hóa cao nhất
(Ví dụ: NO3– + 3e– + 4H+ -> NO + 2H2O)
(c) SO42- chỉ có tính ôxy hóa do S có số ôxy hóa cao nhất
(Ví dụ: SO42- + 2e- + 4H+ -> SO2 + 2H2O)
Vậy các chất có cả tính ôxy hóa và tính khử là:
(1) FeCl2, (2) FeCl3, (3) Fe(NO3)2, (4) FeSO4.
Chú ý: FeCl3: tính ôxy hóa của Fe3+ và tính khử của Cl−.
Vậy, số chất có cả tính ôxy hóa và tính khử là: 4. Đáp án đúng là B.
Giáo viên Nguyễn Tấn Trung, thuộc Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn, cũng cho rằng chỉ có 4 chất có cả tính ôxy hóa và tính khử, đáp án của Bộ GD-ĐT khẳng định 5 chất là sai. Câu này ở tất cả các mã đề (khối A, B) đều sai.
Theo ý kiến một số giáo viên khối chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, trong số 6 chất nêu trên chỉ có 4 chất đáp ứng yêu cầu đề bài, tức là vừa có tính ôxy hóa và có tính khử.
Trả lời về vấn đề này, chiều 17-7, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện tại ban làm đề của Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định câu trả lời theo đáp án là đúng. Bộ cũng đã tiếp thu ý kiến phản ánh của thí sinh cũng như các thầy cô để tham khảo, tuy nhiên sau khi hỏi ý kiến nhiều giáo viên dạy hóa có uy tín tại Hà Nội, các thầy đều khẳng định rằng đáp án A.5 là đúng, chỉ có điều chất thứ 5 hơi khó tìm!
—————————————————–
Đáp án của Bộ GD-ĐT là A.
Ngoài 4 chất đã biết rõ (1) FeCl2, (2) FeCl3, (3) Fe(NO3)2, (4) FeSO4, hai chất còn lại là Fe(NO3)3 và Fe2(SO4)3, chất nào có cả tính ô xy hóa và tính khử?
Thực tế sắt (III) nitrat cho phản ứng phân hủy nhiệt:
4Fe(NO3)3 ==t^0==> 2Fe2O3 + 12NO2 + 3O2 (1)
(Tham khảo từ: IU. V. Kariakin, I. I. Angelov, Hóa chất tinh khiết, NXB Khoa học Kỹ thuật – Hà Nội 1990, trang 743).
Trong phản ứng (1), nitơ có số ô xy hóa giảm từ +5 xuống +4 nên có tính ô xy hóa, còn ô xy có số ô xy hóa tăng từ – 2 lên 0 nên có tính khử, do đó có thể coi như Fe(NO3)3 có cả tính ô xy hóa và tính khử.
Tương tự, sắt (III) sulfat cũng cho phản ứng phân hủy nhiệt:
2Fe2(SO4)3 t==t^0==> 2Fe2O3 + 6SO2 + 3O2 (2)
(Tham khảo từ: R. A. Liđin, V. A. Molosco, L. L. Anđreeva, Tính chất lý hóa học các chất vô cơ, NXB Khoa học Kỹ thuật – Hà Nội 2001, trang 545).
Trong phản ứng (2), lưu huỳnh có số ô xy hóa giảm từ +6 xuống +4 nên có tính ô xy hóa, còn ô xy có số ô xy hóa tăng từ -2 lên 0 nên có tính khử, do đó có thể coi như Fe2(SO4)3 có cả tính ô xy hóa và tính khử.
Như vậy, thực tế cả 6 chất đều có cả tính ô xy hóa và tính khử. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, chỉ giới hạn nội dung thi trong sách giáo khoa.
Trong sách giáo khoa (Nguyễn Xuân Trường, Lê Mậu Quyền, Phạm Văn Hoan, Lê Chí Kiên, Hóa học 11, NXB Giáo dục 2006, trang 42
Lê Xuân Trọng, Nguyễn Hữu Đĩnh, Lê Chí Kiên, Lê Mậu Quyền, Hóa học 11 Nâng cao, NXB Giáo dục 2007, trang 53)
có trình bày: “Các muối nitrat dễ bị nhiệt phân hủy, giải phóng ô xy. Vì vậy, ở nhiệt độ cao các muối nitrat có tính ô xy hóa mạnh. … Muối nitrat của magie, kẽm, sắt, chì, đồng,… bị phân hủy tạo ra ô xít của kim loại tương ứng, NO2 và O2”.
Thực tế có một số chất có cả tính ô xy hóa và tính khử (thể hiện qua phản ứng phân hủy nhiệt của muối có anion chứa ô xy), tuy nhiên do tính ô xy hóa quan trọng hơn nên coi như các chất đó chỉ có tính ô xy hóa như trong sách giáo khoa có trình bày.
Ngoài ra, trong sách giáo khoa cũng không cho biết rõ sắt (II) hay sắt (III) và cũng chỉ nêu chứ không viết phương trình phản ứng (1).
Do đó coi như phương trình phản ứng (1) không có trong chương trình.
Hơn nữa, cũng trong sách giáo khoa (Nguyễn Xuân Trường, Từ Ngọc Ánh, Phạm Văn Hoan, Bài tập hóa học 12, NXB Giáo dục 2008) trang 60 có bài tập như sau:
7.13. Hợp chất nào sau đây của sắt vừa có tính ô xy hóa, vừa có tính khử?
A. FeO;
B. Fe2O3;
C. Fe(OH)3;
D. Fe(NO3)3
Phần hướng dẫn – bài giải – đáp số trang 145:
7.13. A
Như vậy với các dẫn chứng nêu trên, theo sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT chất Fe(NO3)3 coi như không phải vừa có tính ô xy hóa vừa có tính khử.
Phản ứng (2) hoàn toàn không có trong sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT nên chất 2Fe2(SO4)3 coi như không phải vừa có tính ô xy hóa vừa có tính khử.
Do đó, kết luận cuối cùng là theo sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT chỉ có 4 chất có cả tính ô xy hóa và tính khử.