Cảnh giác với hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần có thể phá hủy gan, gây ung thư
Thói quen sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần để đựng thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng; có thể phá hủy gan, gây ung thư cao.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần vì lo ngại ô nhiễm môi trường và hiểm họa khôn lường tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn “thản nhiên” sử dụng, coi đó là vật dụng không thể thiếu để đựng thức ăn nhanh hàng ngày.
Do cuộc sống hiện đại bận rộn, đa số người đi làm chọn cơm tiệm ăn qua loa cho xong bữa trưa, có người tỉ mỉ hơn thì nấu cơm bỏ hộp nhựa mang đi làm. Tuy nhiên, thói quen này vô tình khiến một ngày ta nạp vào cơ thể kha khá chất độc hại từ hộp xốp và hộp nhựa đựng cơm.
Tại chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau. Những sản phẩm này có giá khá rẻ: bó đũa 50 đôi có giá từ 15.000 – 20.000 đồng, hộp xốp đựng đồ ăn cũng chỉ 25.000-30.000 đồng/100 chiếc… Tuy nhiên, ngoài lời giới thiệu của người bán thì các sản phẩm này phần lớn không có thông tin gì về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…
Sử dụng hộp xốp có thể làm phá hủy gan
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compzit, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cảnh báo trước thói quen dùng hộp xốp đựng thực phẩm vô tộ vạ của người dân hiện nay.
Theo Kỹ sư Cảnh, nguyên liệu chính để chế tạo hộp xốp không an toàn là một loại nhựa nhiệt dẻo có tên là Polystiren phân tử thấp, do vậy nó chỉ được dùng để đựng thức ăn nguội, còn đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren, ngấm vào thức ăn, ăn vào sẽ cực hại cho gan, cũng như gây ra nhiều bệnh khác.
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế cũng cho biết: “Vì hộp xốp sản xuất từ PS nên chỉ dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm đối với thực phẩm có nhiệt độ dưới 70 độ C. Các loại hộp xốp chứa đựng thực phẩm chỉ nên dùng một lần và tạm thời, không nên dùng hộp xốp để chứa đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài ngày.
Sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần gây ung thư cao
Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng,… đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Những chế phẩm này rất được ưa chuộng tại những cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại.
Tuy nhiên, chính vật dụng tiện lợi, hữu ích và tưởng chừng như vô hại này lại chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6.
Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.
Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại.
Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ).
Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Vì vậy, mọi người nên hạn chế sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần vừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, vừa để bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Chị Lan, chủ một hàng bán cơm, phở cho sinh viên trên đường Nguyễn Trãi cho biết, khách hàng của chị phần lớn là sinh viên và nhân viên ở các công ty lân cận. Cũng một phần do diện tích cửa hàng khá bí nên khách chủ yếu mua đồ ăn mang về. Hộp xốp, đĩa nhựa và cốc nhựa là những thứ chị thường xuyên sử dụng để đựng đồ ăn. “Buôn bán gần chục năm trời, tôi thấy những sản phẩm dùng một lần không chỉ tiện dụng mà còn tiết kiệm được việc thuê nhân công dọn dẹp, rửa sạch. Bên cạnh đó, việc bảo quản chúng cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ mua về và sử dụng luôn”, chị Lan nói.
Trung bình một ngày, hàng ăn của chị Lan tiêu thụ đến hàng trăm hộp đựng cơm kèm theo thìa, đũa. Do giá thành của những sản phẩm này rẻ nên giá cơm hầu như không thay đổi. Ngày nào khách cũng nườm nượp đến mua, nhưng có lẽ đã quá quen với việc sử dụng các sản phầm đồ nhựa, đồ xốp dùng một lần nên chẳng có ai thắc mắc hay cẩn thận yêu cầu đựng đồ ăn vào nơi khác.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng bắt đầu làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, điển hình như nước Pháp, Mỹ và Canada. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Trên thực tế, mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỷ cốc nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.
Tuy không quyết liệt như Pháp, nhưng cách đây 13 năm, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như chiến dịch làm sạch đường phố.
Theo đó, những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống tại Đài Loan. Bên cạnh đó, lãnh thổ này cũng ban hành luật cấm vứt đồ nhựa dùng một lần ra môi trường. Khi đó, mức phạt tối đa với người vi phạm là 4.310 USD.
Ký hiệu trên chai nhựa cần lưu ý:
Số 1: Nhựa PET (nhựa polyethylene terephthalate): Các chai nhựa có kí hiệu này chỉ nên sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ C, không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe.
Chế phẩm nhựa này nếu sử dụng quá 10 tháng có thể sinh ra các chất gây ung thư.
Số 2: Nhựa HDPE – polyethylene có mật độ cao. Các chai nhựa này có khả năng chịu nhiệt tới 110 độ C, thường được dùng đựng thực phẩm, sữa tắm hoặc các vật có độ tinh khiết cao.
Tuy không thải ra chất độc nào nhưng khi được tái sử dụng chúng, loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.
Số 3: Nhựa PVC. Chất này có thể giải phóng rất nhiều khi ở nhiệt độ cao nên thường có trong áo mưa, vật liệu xây dựng, hộp nhựa… Loại nhựa này cũng chỉ được phép sử dụng cho thực phẩm, đồ uống có nhiệt độ dưới 81 độ C.
Số 4: Nhựa LDPE – polyethylene mật độ thấp. LDPE khá phổ biến trong các hộp mì, túi đựng hàng, vỏ bánh kẹo…Chất này không thể làm nóng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng chất độc hại.
Số 5: Nhựa PP (nhựa polypropylene). PP thường có trên nắp hoặc đáy cốc cà phê, chai sữa thường, sữa chua hoặc chai nước trái cây. Chất này thường chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng.
Số 6: Nhựa PS (polystiren). PS thường có ở các cốc uống nước, hộp xốp đựng thức ăn chỉ sử dụng một lần, tức là không tái sử dụng. Khi sử dụng ở nhiệt độ cao, các chế phẩm này thường sản sinh ra chất Styrene cực độc.
Số 7: Nhựa PC. PC được sử dụng rất phổ biến, nhất là làm chai sữa, cốc dùng một lần. Sản phẩm chứa loại nhựa này có chứa BPA rất nguy hiểm, có thể phân giải ra chất gây ung thư.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn