1 >>>> Giáo viên bối rối khi đọc tên nguyên tố hóa học theo SGK mới
https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-boi-roi-khi-doc-ten-nguyen-to-hoa-hoc-theo-sgk-moi-1100899.ldo
2 >>>> Học sinh, giáo viên bối rối vì đọc tên nguyên tố Hóa học lớp 10
https://vnexpress.net/hoc-sinh-giao-vien-boi-roi-vi-doc-ten-nguyen-to-hoa-hoc-lop-10-4517714.html
3 >>> Vì sao Chương trình GDPT 2018 dùng tên gọi nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-chuong-trinh-gdpt-2018-dung-ten-goi-nguyen-to-hoa-hoc-bang-tieng-anh-post612097.html
Đầu tiên cho tôi xin phép gửi lời cảm ơn đến các quý thân hữu trẻ (vì có lẽ là nhỏ tuổi hơn tôi và chắc đang dạy về hóa học ở các cấp học), từ lúc có việc viết danh pháp hóa học bằng tiếng Anh đến nay, đã gửi đến tôi rất rất nhiều thông tin chủ yếu qua Messenger. Nay vừa nhận thêm một số thông tin mới nữa, thôi đành phải dẹp việc viết sách qua một bên, để viết thêm một số góp ý nữa về vấn đề này cho trọn tình trọn nghĩa!
Miền nam có câu “nói chuyện với cái đầu gối” có nghĩa là có nói cũng vô ích thôi. Nhưng thôi kệ, vì tương lai các em nhỏ mình nói thêm lần nữa xem sao? Vì mình nghĩ rằng cái gì cũng tương đối, thế nào trong nước ngoài nước cũng có người đây đó hiểu chuyện! Chẳng lẽ ai cũng là cái đầu gối hết sao, hoặc chỉ muốn mình là cái đầu gối để yên thân, tiến thân?! Xin liều cái mạng già này vậy!
Các bài báo mà thân hữu đọc theo các đường dẫn được cung cấp ở trên có đề cập đến những vị có học hàm học vị cụ thể.
Tôi xin có một số ý kiến về các bài báo này:
– Nên bỏ sớm ngày nào hay ngày đó, cái tư tưởng “sẽ quen” đối với sự sai trái, kiểu như cho cái sai lập đi lập lại riết sẽ thành cái đúng! Nếu đã là sai thì nên bỏ sớm! Không nên bắt người khác (giáo viên và học sinh) cũng phải sai theo mình. Về cả hai mặt luật pháp và đạo đức! Việc bê nguyên xi cách viết danh pháp bằng tiếng Anh vào viết trong văn bản viết bằng tiếng Việt (cụ thể trong sách giáo khoa gọi là mới, gọi là hiện đại) là một việc sai trái! Không nên quen!
– Danh pháp phiên âm (dppa, miền bắc) và danh phiên chuyển (dppc, miền nam) đều dựa trên tiếng Pháp, cho nên việc phát âm không quan trọng lắm, không cần phải mua thêm một quyển phiên âm quốc tế để đọc các danh pháp như hiện nay! Còn bây giờ, nếu không mua làm sao biết cách đọc. Mà phát âm dựa theo phiên âm quốc tế, trên nguyên tắc đã đủ chưa? Nếu vậy thì người đi học sinh ngữ đến trường lớp học trực tiếp làm gì, chỉ cần mua một quyển từ điển có phiên âm quốc tế là được rồi?! Mặt khác, các mẫu tự tiếng Pháp và tiếng Việt có rất nhiều cách đọc gần như giống như nhau. Thí dụ tên của nguyên tố P, tiếng Pháp viết phosphore, danh pháp phiên âm viết phốtpho, danh pháp phiên chuyển viết phosphor. Cả ba đều đọc như nhau và rất dễ dàng cho cả thầy cô lẫn học sinh. Còn đọc theo tiếng Anh, cứ thử đi! Chưa kể về văn phạm, tiếng Pháp và tiếng Việt viết cùng một trật tự. Thí dụ như acide acétique (tiếng Pháp), tiếng Việt viết acid acetic (dppc) hoặc axít axêtic (dppa), còn tiếng Anh viết ngược lại hoàn toàn là acetic acid. Có thể nào hai văn phạm ngược nhau cùng xuất hiện trong một quyển sách gọi là giáo khoa? Một thí dụ khác: tên của hợp chất AgNO3 viết là nitrat bạc hay phải viết là silver nitrate. Xin hỏi chữ nào dễ đọc hơn? Hoặc CuCl danh pháp phiên chuyển viết là clorur đồng(I) và CuCl2 viết là clorur đồng(II), viết bằng tiếng Anh lần lượt là: cuprous chloride và copper chloride. Chữ nào dễ đọc hơn, dễ nhớ hơn? Tại sao khi viết là cuprous, khi viết là copper, thí dụ học sinh hỏi vậy? Người viết sách trả lời được không? hay thầy cô phải tự giải đáp, trong lúc tiếng Việt chỉ viết là đồng? Viết clorur đồng, nitrat bạc có sai gì đối với khuyến nghị của IUPAC không?
– Danh pháp phiên âm và danh pháp phiên chuyển vì ra đời sau, nên cả hai đều có cái MỚI và CHÍNH XÁC hơn tiếng Anh lẫn cả tiếng Pháp. Thí dụ tên của hai nguyên tố Na và K là natri/natrium và kali/kalium so với sodium và potassium (tiếng Anh, tiếng Pháp). Việc này tôi đã thực chứng qua trao đổi về danh pháp với các bạn bè tại các nơi mà tôi đã từng đi học, như tại Pháp, Úc, Đan Mạch, … bạn bè đều nói danh pháp hóa học Việt Nam ở chỗ này rất hay. Nay chủ trương bỏ cái hay, cái đúng đi? Xin cho biết lý do?
– Tôi có tham gia trong ban Chấp hành Hội Hóa học Việt Nam. Có tham gia việc xét lại danh pháp và thuật ngữ hóa học trong những năm 2000, bắt đầu từ báo cáo của tôi trong hội nghị hóa học hữu cơ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Quy Nhơn có đề cập chính thức việc này. Sau đó, Hội có ra một sản phẩm (Hình 1, riêng hình Thầy không ghi số). Từ đó đến nay hoàn toàn không có thêm một thông tin nào của Hội về vấn đề này. Do đó, có một vị PGS nói rằng việc “bê nguyên xi” đó là do ý kiến của Hội: “Hội đã đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sử dụng danh pháp Hóa học theo tiếng Anh trong đợt đổi mới SGK 2018 và được đồng ý”. Nhân dịp này, nếu bài viết này có đến tay của Hội, xin Hội xác nhận lại. Theo tôi đây là một việc rất quan trọng không thể tùy tiện và cá nhân.
– Văn bản hướng dẫn cách viết tên một số nguyên tố, trong sách giáo khoa, được in vào 26/12/2018 (Hình 2 và 3), so với công văn trong bài báo có một vị PGS khác viện dẫn đưa ra là 18/3/2016. Xin phép hỏi văn bản nào cập nhật hơn?
– Vị PGS này không biết hay không muốn biết là trước năm 1975, nước Việt Nam thống nhất hiện nay, có hai miền. Miền nam đã có một nền giáo dục, riêng về hóa học, theo tôi biết rất hoàn chỉnh. Cho nên vị này phát biểu là “thực tế trước đây các nguyên tố và các chất hóa học được viết và phiên âm sang tiếng Việt chưa chính xác”. Chữ “trước đây” xin nói cụ thể là chỉ có miền bắc mới viết theo lối phiên âm. Còn miền nam viết theo lối phiên chuyển, xin lỗi, chính xác và khoa học hơn nhiều, thí dụ như: hydrogen/hiđrô; glucoz/glucozơ, aldehyd/anđêhit; …. Tôi còn được biết, trong nam đã tổ chức bảo vệ tiến sĩ hóa học từ những năm đầu của thập niên 60. Xin lỗi, xin hỏi, miền bắc tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học trong nước lần đầu tiên từ những năm nào? Nói ra ở đây hoàn toàn không phải để so sánh, mà chỉ để cung cấp thông tin cho quý PGS này biết được về chuyên ngành hóa học trong miền nam đã hoạt động và hoàn chỉnh đến mức độ như thế nào, thế thôi! Tôi có một anh bạn là phụ huynh của đương kim hiệu trưởng một trường đại học rất uy tín trong nam hiện nay, đã làm luận án tiến sĩ với Thầy Lê văn Thới chẳng những một lần, trước năm 1975, mà tôi có hân hạnh tham dự các buổi bảo vệ của anh và được tặng cả quyển luận án!
– Vị PGS này bảo rằng danh pháp phiên âm hoặc danh pháp phiên chuyển (?) “không phải là tiếng Việt” là SAI. Vì sau khi phiên âm hoặc phiên chuyển là nó đã trở thành một bộ phận của tiếng Việt dùng để sử dụng trong những lĩnh vực có liên quan đến hóa học, rất nhiều thí dụ như: iốt/iod; canxi/calcium; magiê/magnesium; …
– Còn “giữ gìn tiếng Việt trong sáng”, theo chúng tôi, chủ yếu là nên phiên dịch những thuật ngữ, đừng nên tiếp tục phiên âm nữa, trên những thuật ngữ có thể phiên dịch được. Nếu “chê” miền nam dịch còn dở (?) thì xin quý anh chị ngoài đó dịch cho chúng tôi nhờ, xin đừng phiên âm thuật ngữ nữa, như: orbitan, electron, nucleophin, electrophin, … Viết rằng “chỉ có những thuật ngữ được dùng chung trong phạm vi toàn cầu mới viết bằng tiếng Anh” là không chính xác! Hầu hết các thuật ngữ đều được dịch sang tiếng sở tại, chỉ khi nào chưa dịch được mới sử dụng tiếng nước ngoài, mà không phải chỉ có tiếng Anh trong trường hợp này, có cả tiếng Pháp nữa, thí dụ như “raison d’être” trong sinh thái học, … và chủ yếu là tiếng Latin như in vitro, in vivo, …. Nhiều thí dụ lắm, PGS ơi!!!
– Việc gọi là tên hóa chất “thì phải dùng tên theo IUPAC”, nói như vậy rất mập mờ. Phải nói trung thực, đầy đủ và rõ ràng là “khi viết tên các hóa chất và tên nguyên tố hóa học nên theo các khuyến nghị của IUPAC”. Khuyến nghị đó là “trong các ngôn ngữ nên viết tựa như nhau, nên lưu ý, nếu được, nên giống nhau ở các tiếp đầu ngữ và tiếp vĩ ngữ (chỉ các nhóm chức)”. Hoàn toàn KHÔNG có một câu chữ nào bắt buộc là các nước trên thế giới phải gọi tên hóa chất một kiểu giống nhau là chỉ bằng tiếng Anh (Hình 4). Trước đây khoảng hơn 10 năm, IUPAC còn có một phần mềm chuyển đổi qua lại danh pháp hóa học, của 18 quốc gia, viết bằng tiếng của quốc gia mình, dựa trên đề nghị của IUPAC (Hình 5). Ngay từ năm 1961, có cả một quyển từ điển chuyển đổi qua lại danh pháp hóa học viết bằng tiếng Anh, Pháp và Đức (Hình 6). Xin hãy nói SỰ THẬT cho thầy cô giáo và học sinh biết, vì sự thật là nguồn cội của cái gọi là khoa học tự nhiên đó!
– Nên biết thêm, ở miền nam trước năm 1975, chính tay tôi (thơ ký thôi) đã đánh máy các văn bản xin tham gia IUPAC về danh pháp, danh pháp phiên chuyển, cho Thầy.
– Theo chúng tôi, vì đã thực hiện, từ năm 1957, là trong một văn bản pháp quy như sách giáo khoa viết bằng tiếng Việt, phải viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, đó là sự tự trọng tối thiểu của người gọi là có học ít nhiều. Muốn biết danh pháp đó tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc thêm tiếng nước nào khác nữa, viết ra làm sao, xin xem phần phụ lục chuyển đổi ở phía sau mỗi quyển sách. Xin đừng đem hình ảnh “lai căng” “ba rọi” vào trong lĩnh vực giáo dục, nhất là trong sách giáo khoa!
– Còn nói rằng “phù hợp với tên gọi của IUPAC quy định, đó là sử dụng tiếng Anh”. Xin PGS hãy công bố văn bản này của IUPAC. Theo tôi, trong quyển (Hình 4) là cách viết danh pháp được trình bày bằng tiếng Anh, PGS đã có thấy lần nào danh pháp hóa học viết bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Đức chưa? Hình như hai nước này, các hóa học gia vì có LÒNG TỰ TRỌNG VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC ở một chừng mực nào đó, nên thường xuyên lãnh giải thưởng Nobel về hóa học về cho tổ quốc họ!
– PGS có mong muốn như miền nam chúng tôi, trước đây gần 50 năm (1975), là lá cờ Việt Nam (hiện nay) tung bay trong danh sách các nước có danh pháp chuyển đổi qua lại dựa trên các khuyến nghị của IUPAC không?
– Thưa PGS, trong này chúng tôi gọi hydrogen, oxygen, nitrogen, halogen từ năm 1957, một cách NHẤT QUÁN. Nhất quán luôn cả tiếp đầu ngữ và nhất là tiếp vĩ ngữ của IUPAC. Thí dụ, chúng tôi đã biết dùng al là tiếp vĩ ngữ của nhóm chức aldehyd (metanal, etanal, …) nên cũng viết được dễ dàng là alkan, alken, alkyn, … Sau 1975, dẹp đi không cho gọi (?), không cho dạy (?) là hydrogen, oxygen, nitrogen nữa mà bắt gọi là hyđrô, ôxi, nitơ, … (nói vậy chứ tôi vẫn dạy nha, bỏ sao được!). Việc đó xin gọi tên là gì? Đẩy lên hay kéo lùi danh pháp hóa học Việt Nam? Rồi bây giờ, lại viết y chang như trong này trước đây vậy, mà sau gần nửa thế kỷ, cái đó gọi là “hội nhập” và “cập nhật” sao? Một chuỗi cách viết hydrogen như “hiđrô, hiđro, hidro, hyđrô, hydro”, như PGS thí dụ, đó là khuyết điểm của danh pháp phiên âm, mà Thầy tôi đã cảnh báo từ những năm 80 của thế kỷ trước! Bây giờ, một PGS khác lại phát biểu “không nên quá chú trọng vào việc phát âm cho đúng, chỉ cần đủ hiểu là được” liệu có đi vào vết xe đổ, như trường hợp hydrogen, theo danh pháp phiên âm đã nói trên không? Đến một lúc, mạnh ai nấy phát âm danh pháp hóa học bằng cái tiếng Anh của riêng mình chăng?
– Các nguyên tắc của danh pháp phiên chuyển rất nhất quán và khoa học, vì đó là một công sức tập thể của những người yêu nước Việt, yêu tiếng Việt. Còn “bê nguyên xi” thì xin hỏi công sức bỏ ra ở đâu? Của người ta sẳn tất cả rồi, chắc chỉ có việc “mỏi tay” khi bưng bê chăng? Quý PGS ca ngợi danh pháp viết bằng tiếng Anh, xin lỗi, hình như bị hơi thừa, vì nó là sản phẩm của các nhà hóa học, mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ!
– Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, hưởng ứng sự kêu gọi thống nhất về thuật ngữ và danh pháp, nhiều Thầy của chúng tôi trong này đã ra Hà Nội hợp sức với quý GS ngoài đó. Mặc dầu, xong rồi, có khuyến nghị của Bộ do bộ trưởng ký rồi đó, nhưng nào có ai theo đâu. Thí dụ như chữ acid đã được Thầy đề nghị một cách chính thức và được ghi vào khuyến nghị. Nhưng ngành sư phạm (ở đâu đó, quý thân hữu cứ đoán) vẫn viết là axít cho đến tận ngày hôm nay, mới chịu chuyển đổi để viết là acid, như trong nam! Nhưng lại viết theo trật tự tiếng Anh thì mới chịu, như viết là acetic acid!!!! Lạ thiệt!
– Chữ “hội nhập toàn cầu” mà ý nghĩa hội nhập như PGS đưa ra, nó đơn giản như thế sao? Nếu như vậy hệ thống danh pháp phiên chuyển của miền nam trước đây không hội nhập toàn cầu sao? Những danh pháp hóa học viết bằng 18 thứ tiếng trên thế giới, theo thống kê của IUPAC, hiện nay là không hội nhập toàn cầu sao? Hay chỉ có ta biết hội nhập?
– Quý PGS còn cho biết khi tra trên Google, lẽ dĩ nhiên với chữ “hyđrô” (dppa) số lượng trả lời ít hơn khi tra bằng chữ “hydrogen”, đó là vì tại chúng ta (?) đã bỏ gần 50 năm ra để khư khư ôm lấy cái danh pháp phiên âm! Chứ chịu viết là hydrogen thì đâu có chuyện bưng bê ngày hôm nay.
– Còn câu “thầy cô tìm thấy nhiều thú vị trong dạy học” như một quý PGS gợi ý. Dạ, xin thầy cô đang dạy về hóa học, nếu có đọc bài này, xin cho biết ý nghĩa của sự “thú vị” này! (xin gửi bên Messenger nếu thấy e ngại! Có lẽ “giáo viên chúng tôi chưa được tập huấn dạy học về phát âm nguyên tố hoá học” như trong một bài báo đã nêu là “thú vị” chăng?
Với tôi, thật buồn, buồn lắm, khi phải viết ra những dòng trên!
Trân trọng.
Theo thầy Lê Ngọc Thạch
LINKS bài viết gốc: https://www.facebook.com/thach.lengoc.121/posts/pfbid02HGAzEFpQyuY1Yga4tZv75wuaPqpvtrmYJzyVRdXj1tHoSfqsy5CS4qnUmbpiak8cl
LINKS bài viết gốc: https://www.facebook.com/thach.lengoc.121/posts/pfbid02HGAzEFpQyuY1Yga4tZv75wuaPqpvtrmYJzyVRdXj1tHoSfqsy5CS4qnUmbpiak8cl