Từ năm 2018, học sinh lớp 11 – 12 chỉ còn học 5 môn?
Đó là thông tin mới về những thay đổi cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông (dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2018 – 2019) được GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tiết lộ.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018 – 2019) dự kiến đối với học sinh lớp 10 vẫn sẽ được học đầy đủ các môn học với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ ràng hơn. Ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại được bố trí mỗi môi chỉ học trong 1 kỳ học. Số lượng các môn trong mỗi kỳ đối với khối lớp 10 chỉ còn khoảng từ 6 – 7 môn. Riêng môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao.
Đối với học sinh lớp 11 và lớp 12, các môn học được thiết kế tập trung theo định hướng nghề nghiệp. Để làm được điều này, mỗi học sinh khối 11; 12 chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, học sinh có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình. Ví dụ, nếu muốn theo nghề Kinh doanh sẽ chọn Toán, Lý, Hóa và chọn thêm các môn sở thích như nhạc, họa, ngoại ngữ…
Mỗi giờ học mỗi môn sẽ được thiết kế 5 tiết/ tuần. Dự kiến có 3 nhóm môn học: một nhóm học 3 tiết/tuần, nhóm 4 tiết/tuần và nhóm học 5 tiết/tuần. Trong “một môn” cũng có thể có các nhánh phát triển khác nhau để học sinh tự chọn. Ví dụ, ngữ văn sẽ có ngữ văn 1 rèn kỹ năng đọc hiểu để thuyết trình, hùng biện, viết các loại văn bản khác nhau, học khoảng 3 – 4 tiết/tuần. Ngữ văn 2 dành cho những HS có thiên hướng chọn ngành văn học.
Theo GS Thuyết, ngoài việc giảm các môn học thì chương trình mới sẽ thiết kế tăng thêm các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Cụ thể, hoạt động trải nghiệm sẽ được chia làm 2 loại: Một loại gắn với nội dung từng môn học và loại mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ nhất do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường.
Chương trình này cũng dự kiến coi việc tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và khuyến khích các trường ĐH CĐ lấy đó làm điều kiện ưu tiên xét tuyển.
Trước đó, tháng 11.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD ĐT đã triệu tập một số chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể. GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được chọn làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự kiến, cuối tháng 1.2017, dự thảo chương trình tổng thể sẽ hoàn thành để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục. Đầu tháng 2.2017 sẽ trình Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và tiếp tục hòan thiện theo ý kiến hội đồng. Muộn nhất là tháng 3.2017 phải có chương trình tổng thể để biên soạn các chương trình môn học.