[Thảo luận – trao đổi] – Thuật ngũ hóa học: Sử dụng tên gọi thảo lam hay quỳ tím ?
Vấn đề về thuật ngũ Hóa học là một vấn đề lớn và có nhiều vấn đề.
Tôi đọc được bài viết của thầy Lê Ngọc Thành có nói về vấn đề sử dụng thuật ngữ: Thảo lam và Quỳ tím, nay tôi biên tập và chia sẻ với quý thầy cô và toàn thể bạn đọc của website www.hoahoc.org. Rất mong mọi người cùng tham gia thảo luận và cho ý kiến về vấn đề này.
1. Trước tiên là bài viết của thầy, trích từ fb của thầy: LINKS
Thuật Ngữ số 16
thảo lam/quỳ tím
Nhận định:
Ủy ban Soạn thảo Danh từ Chuyên môn và Thầy đã phiên dịch chữ “litmus” là “thảo lam”.
Việc này có in trong quyển Danh từ Hóa học (1963) trang xxvi. (Hình 1)
Tôi cũng có nhắc lại trong quyển Hóa học Hữu cơ (các nhóm định chức chính), Tập III, 2018, trang 457-458. (Hình 2-3)
Sở dĩ phiên dịch là thảo lam là vì:
thảo (h), đda t. 375, nghĩa là cỏ (thí dụ như thảo mộc, thảo lư) vì ly trích từ một loại thực vật giống như cỏ gọi là địa y (lichen/lichen).
lam (h), đda, t. 480, có nghĩa là màu lam (thí dụ như lam bào, lam thạch; còn gọi là màu nhà Phật, màu áo đồng phục của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam).
Tóm lại thảo lam: màu lam ly trích từ một loại cỏ.
Dịch litmus thành quỳ tím là sai! Sai cả hai chữ luôn, sai nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Không có cây quỳ (sunflower/tournesol/hướng dương), kể cả rễ, thân, lá, hoa đều không có ở đây!
Cũng không có màu tím!
quỳ tím: màu tím ly trích từ hoa quỳ (?).
Bao nhiêu thầy cô đã thấy trực tiếp bột màu thảo lam? Đã từng pha cho học sinh, sinh viên làm thí nghiệm?
Trước đây, khi tham gia Hội đồng Chuẩn hóa Thuật ngữ, 1980-1984, Thầy cũng đã có trình bày việc này trước hội đồng.
Tôi cũng xin nhắc lại, trước đây tôi có góp ý một lần, nay xin nói lại lần nữa cho kỹ hơn vì đề thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa qua, năm 2021, vẫn còn tiếp tục sử dụng phiên dịch sai trái này (Hình 4).
Giải thích:
Chữ “litmus” phiên âm từ tiếng Na Uy, lackmus, có nghĩa là màu, màu nhuộm.
Ra đời vào khoảng năm 1300, từ nhà giả kim thuật (alchemist) người Tây Ban Nha, Arnaldus de Villa Nova.
Thảo lam thương mại, dạng bột, màu xanh đen (Hình 5, 6). Ly trích từ địa y (lichen/lichen) chủ yếu từ loài Roccella tinctoria (Hình 7), cách làm này có từ thế kỷ thứ 16.
Cấu tử chính trong hỗn hợp bột thảo lam là 7-hydroxyphenoxazon (Hình , thuộc nhóm hợp chất orcein.
Hỗn hợp bột thảo lam có CAS number là 1393-92-6.
Và trong Merck Index, 12th Ed., với số thứ tự là 5574.
Trong hóa học, thảo lam được xếp vào nhóm hợp chất chỉ thị (indicator/indicateur) về pH.
Sử dụng:
Tôi đã tự làm, từ năm 1969, khi bắt đầu công việc của một nghiệm chế viên bán thời gian (préparateur mi-temps), lúc soạn thực tập cho hai chứng chỉ COS và COD tại Khoa học Đại học đường Sài Gòn.
Đầu tiên, hòa tan bột thảo lam vào nước trung hòa, thu được dung dịch có màu lam. Sau đó, chia làm hai. Acid hóa một nửa dung dịch cho ra dung dịch có màu đỏ. Và baz hóa nhẹ nửa dung dịch còn lại cho ra dung dịch có màu xanh dương rõ.
Nhúng giấy lọc vào mỗi dung dịch, ngâm, kẹp lên dây, phơi khô.
Xong rồi, cắt ra thành từng miếng giấy nhỏ, bề ngang độ 8 − 10 mm, dài độ 4 − 5 cm, gọi là “giấy thảo lam đỏ” và “giấy thảo lam xanh”, (Hình 9).
Giấy thảo lam đỏ (red litmus paper) dùng để thử tính baz, pH từ 8,3 trở lên, màu đỏ sẽ chuyển thành màu xanh.
Còn giấy thảo lam xanh (blue litmus paper) dùng để thử tính acid, pH từ 4,5 trở xuống, màu xanh sẽ chuyển thành màu đỏ.
Trên thế giới, giấy thảo lam xanh và đỏ được làm sẳn để bán, dùng trực tiếp. (Hình 10)
Khi thử, nên lấy một giọt chất muốn thử nhỏ lên trên giấy thử. Có thể thử tính acid-baz cho cả chất khí, nhưng lúc đó phải nhúng nước ướt giấy thử.
Thật tế, có thể sử dụng giấy thảo lam trung hòa, dùng để thử chung cho acid và baz, nhưng màu lam này thường nhạt, khó thấy! (Hình 11)
Đề nghị:
– Xin thôi đừng lập lại cái sai hoài! Bao nhiêu người, ra đề thi và viết sách có liên quan, đã trực tiếp điều chế loại giấy thử này chưa? Hay cứ “cha truyền con nối” viết y khuôn “quỳ tím”! Đã vậy còn viết tắt bỏ chữ “giấy” nữa!!! (Hình 4) Việc thử phải xảy ra trên giấy thử chứ!
– Xin tôn trọng học sinh, sinh viên. Sai thì sửa có sao đâu, coi như mình cập nhật thông tin thôi! Còn hơn cố chấp giữ cái sai đó mãi. Tội chết nha!
TB:
– đda: Đào Duy Anh, Hán-Việt Từ điển; tr.: trang; h: Hán.
– pH đổi màu của thảo lam là 4,5 (đỏ) và 8,3 (xanh).
– Hình Thầy xin để đầu tiên và không có số thứ tự nha!
2. Một số nội dung trong phần comment
Theo thầy Bùi Quang Minh chia sẻ
Theo tài liệu mình đang có thì
* Ở miền Nam trước năm 1975: dùng từ ” giấy thảo lam”
* Ở miền Bắc năm 1975-1976: dùng từ ” giấy quỳ hoặc giấy quỳ xanh”
* Sau khi thành một nước Việt Nam thì
+ trong bộ sách thí điểm chuyên ban: dùng từ ” giấy quỳ xanh”
+ trong bộ sách từ năm 2000 đến nay : dùng từ ” quỳ tím”
Nếu theo nguồn gốc xuất xứ của chất chỉ thị trên, thì từ ” quỳ tím” có vấn đề, nó không đúng về nguồn gốc từ chất tạo ra chỉ thị đó?
Leave a Reply