Tự thân con người vốn có ham muốn học hỏi nhưng làm thế nào để khơi dậy động lực nội sinh đó? Và liệu các phần thưởng bên ngoài có ảnh hưởng tiêu cực đến động lực nội sinh và làm cho nó suy yếu?
Động lực học tập được coi là một trong những yếu tố quyết định dẫn tới thành công hay thất bại của học sinh ở trường học. Bên cạnh đó, trước xu hướng chuyển dịch của giáo dục toàn cầu từ tập trung vào kết quả học tập sang phát triển năng lực toàn diện, khơi gợi động lực học tập là chìa khóa để tạo ra những sinh trưởng bền vững ở học sinh.
Là một khái niệm được nghiên cứu lâu năm trong cả lĩnh vực tâm lý học lẫn giáo dục, có nhiều lý thuyết khác nhau và cách phân loại khác nhau cho động lực nói chung và động lực học tập nói riêng. Một trong số cách phân chia phổ biến đó là động lực nội sinh và động lực bên ngoài.
Động lực nội sinh mang lại thành công thỏa mãn hơn
Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa Hành vi thống trị khoa học tâm lý và khoa học giáo dục với lý thuyết về củng cố (Reinforcement theory) đề cao tác động của kích thích từ môi trường tới hình thành và duy trì hành vi. Từ những năm 1950, tâm lý học lần lượt chứng kiến một sự chuyển dịch về lý thuyết với phong trào chủ nghĩa nhân văn và xa hơn nữa là cuộc cách mạng nhận thức, đề cao những tác động của các yếu tố tinh thần và tư duy trong đưa ra quyết định và thực hiện hành vi.
Lý thuyết tự quyết (self-determination theory) tập trung vào khái niệm động lực nội sinh là một trong những “sản phẩm” của cuộc chuyển dịch đó. Năm 1970, hai thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học Edward Deci và Mark Lepper đã chỉ ra rằng: việc có mặt của các phần thưởng bên ngoài thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới sự hứng thú có sẵn của cá nhân với tác vụ được giao.
Từ thí nghiệm năm 1970 của mình, Deci cùng đồng nghiệp Richard Ryan tiếp tục phát triển nên lý thuyết tự quyết (self-determination theory). Lý thuyết này xuất phát từ một niềm tin cơ bản rằng, bản chất của con người là chủ động, tò mò, và tự thân có ham muốn học hỏi và phát triển bản thân. Do vậy, nếu một hoạt động khơi gợi được xu hướng có sẵn này ở mỗi cá nhân thì sẽ tạo ra một động lực nội sinh – tức là cá nhân sẵn sàng thực hiện hoạt động vì tính chất của hoạt động đó mà không cần phải nhận được bất kỳ phần thưởng gì.
Lý thuyết của Deci và Ryan cũng khẳng định, mặc dù mọi cá nhân đều có bên trong mình xu hướng này, vẫn cần tạo ra một môi trường phù hợp để xu hướng đó được bộc lộ. Theo hai nhà tâm lý học, một môi trường như vậy cần cung cấp được ba điều sau đây cho cá nhân: cảm giác có mối liên hệ, được thuộc về (relatedness), cảm giác có năng lực (competence), và tự chủ (autonomy).
Cho tới nay, đã có nhiều nghiên cứu thực chứng ủng hộ lý thuyết tự quyết và cho thấy các ảnh hưởng tích cực của động lực nội sinh trong giáo dục. Một siêu phân tích của Geneviève Taylor và các đồng nghiệp vào năm 2014 thậm chí còn chỉ ra rằng, động lực nội sinh là yếu tố quan trọng nhất trong việc dự đoán kết quả học tập tốt ở học sinh. Bên cạnh đó, gia tăng động lực nội sinh được cho là còn làm tăng cảm xúc tích cực với việc học và sự hài lòng nói chung với cuộc sống (Froiland, 2011). Nói cách khác, mặc dù tập trung vào các phần thưởng bên ngoài cũng có thể đem lại những kết quả học tập xuất sắc, thì quan tâm tới động lực nội sinh sẽ khiến quá trình đạt tới kết quả đó hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn (Froiland et al., 2012).
Giải oan cho động lực bên ngoài
Làn sóng nhân văn và cuộc cách mạng nhận thức cũng đem tới một sản phẩm nữa: đó là sự hạ thấp vai trò của các phần thưởng bên ngoài tới động lực của cá nhân. Hai thí nghiệm nổi bật của Deci và Lepper khiến cho khái niệm động lực nội sinh được chú ý như đã nêu ở trên cũng mở đầu cho hàng loạt những nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng động lực ngoại sinh như thưởng phạt, xếp hạng,… có thể làm giảm cả chất lượng và sự hứng thú với công việc. Những tác phẩm nổi tiếng, có sức ảnh hưởng của các nhà tâm lý học hàng đầu như Philip Zimbardo và Alfie Kohn đều dẫn lại thí nghiệm của Lepper và Deci và nhấn mạnh rằng không nên sử dụng các phần thưởng bên ngoài trong việc dạy dỗ con trẻ.
Tuy nhiên, hai tác giả Judy Cameron và David Pierce đã tiến hành lần lượt hai siêu phân tích vào năm 1994 và 2001 và chỉ ra rằng, các phần thưởng bên ngoài không tác động tiêu cực tới động lực bên trong. Đối với những hoạt động bắt buộc khó đem lại hứng thú nội sinh ở cá nhân thì sử dụng các phần thưởng sẽ giúp cá nhân có động lực hơn để hoàn thành các nhiệm vụ đó. Thậm chí, nó còn giúp củng cố và duy trì động lực nội sinh của cá nhân.
Cameron và Pierce còn xem xét lại thí nghiệm của Lepper và Deci và chỉ ra những thiếu sót của hai nghiên cứu này khi phân tích các tác động của phần thưởng. Khi phân tích các thí nghiệm về các ảnh hưởng tiêu cực của phần thưởng tới sự hứng thú có sẵn của cá nhân, hai tác giả này nhận thấy rằng các tác động tiêu cực đó được tạo ra chủ yếu do những điều kiện chung nhất định của các thí nghiệm. Cụ thể, những điều kiện đó là: tác vụ được giao cho cá nhân vốn có sự thú vị rất cao; việc trao thưởng được thông báo trước khi cá nhân bắt đầu thực hiện tác vụ; phần thưởng liên quan đến tiền bạc; phần thưởng chỉ được trao duy nhất một lần và không thống nhất được trao ngẫu nhiên không dựa trên quan cam kết về kết quả hay nỗ lực thực hiện hoạt động. Những phân tích này một mặt chỉ ra những thiếu sót trong các thí nghiệm về động lực bên ngoài, một mặt chỉ ra những điều cần tránh khi sử dụng phần thưởng trong thực tế.
Hai tác giả cũng cho rằng kết quả của hai thí nghiệm trên có phần được dễ dàng chấp nhận và khái quát hóa vội vàng do ở thời điểm đó, làn sóng nhân văn đang trỗi dậy mạnh mẽ khiến cho chủ nghĩa hành vi bị chỉ trích nặng nề.
Các tài liệu sau này của những tác giả ủng hộ lý thuyết tự quyết cũng dần khẳng định thứ đối nghịch với động lực nội sinh không phải động lực ngoại sinh, mà là sự thiếu động lực. Động lực ngoại sinh đóng vai trò trung gian, và tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà nó có thể thúc đẩy hoặc làm suy yếu động lực nội sinh vốn có của người học. Trong điều kiện lý tưởng, các động lực ngoại sinh có thể dần được hấp thụ và cá nhân hóa, và sẽ trở thành động lực nội sinh khi các yếu tố đã nêu ở trên đạt một mức độ nhất định.
Trong cuốn sách “Rewards and intrinsic motivation: resolving the controversy”, Cameron và Pierce kết luận rằng không nên loại bỏ hoàn toàn các hình thức phần thưởng khỏi trường học. Việc cần làm hơn là quản lý và sắp xếp các thực hành phần thưởng sao cho đem lại hiệu quả tốt nhất với người học.
Một số gợi ý
Hơn một thế kỷ nghiên cứu đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về động lực nói chung và động lực học tập nói riêng, cũng như tầm quan trọng của việc hướng đến phát triển động lực nội sinh trong từng cá nhân, từng công việc. Những kiến thức đó nếu được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là vào giáo dục, sẽ giúp giảm bớt sự cạnh tranh không cần thiết, tối đa hóa tiềm năng của từng cá nhân, nâng cao chất lượng công việc và trên hết là cải thiện đời sống tinh thần. Vậy làm sao để đạt được những điều đó? Tập trung vào ba điều kiện cho một môi trường lý tưởng có khả năng thúc đẩy động lực nội sinh mà lý thuyết tự quyết đưa ra, các nhà khoa học nêu một số gợi ý cho các thầy cô và người làm giáo dục:
– Cho người học quyền chủ động: Điều này giúp người học có cảm giác về quyền tự quyết đối với những nhiệm vụ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong cấu thành động lực nội sinh. Tự quyết có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, tưởng chừng không quan trọng như chọn chỗ ngồi, chọn bài đọc,… từ đó dần phát triển lên những nhiệm vụ lớn và quan trọng hơn. Nếu như chương trình là cố định và tối ưu, vẫn nên cho người học quyền được lựa chọn không đi theo khung có sẵn. Nghiên cứu đã chỉ ra người lựa chọn sẽ có xu hướng đi theo lựa chọn có sẵn, nhưng điều đó vẫn tạo ra cảm giác về quyền lựa chọn.
– Phát triển niềm tin vào sự thành công: Để có động lực để làm một việc gì đó, cần có niềm tin ta làm được việc đó. Khả năng thành công là một yếu tố mà gần như tất cả lý thuyết đều nhắc đến. Tuy nhiên, niềm tin này cần được xây dựng trên cơ sở thực tế, và hướng đến hình thành tư duy phát triển, để thúc đẩy người học nỗ lực đạt được mục tiêu thay vì đơn thuần là tự tin vào năng lực cố hữu của bản thân hay cho rằng nhiệm vụ quá đơn giản.
– Chú trọng tạo dựng các mối quan hệ: Con người luôn cần sự kết nối, và việc học không phải ngoại lệ. Cảm giác là một phần của lớp học khiến cho học sinh cởi mở hơn, từ đó tạo nên động lực nội sinh trong việc học. Nhưng không chỉ là kết nối với các bạn, người học cũng cần được kết nối với những đối tượng khác, đặc biệt là người dạy. Sự kết nối và cảm giác tin tưởng giữa người dạy và người học sẽ giúp cả hai có thể thoải mái thảo luận các ý tưởng, xác định các vấn đề và giải pháp, từ đó giảm thiểu những lo âu và nâng cao sức khỏe tinh thần.
– Khơi gợi trí tò mò và khuyến khích thử nghiệm: Sự tò mò và yêu thích khám phá ở người học, đặc biệt ở trẻ em, là nguồn gốc của động lực nội sinh. Vì vậy, thay vì giới hạn chúng, hãy để người học được tự do khám phá. Điều này đôi khi có thể dẫn đến một số nguy cơ về mặt an toàn hoặc sai sót. Nhưng thay vì cực đoan hóa và nhìn mọi thứ như là rủi ro, hãy tạo lập một môi trường mà hậu quả của các rủi ro có thể chấp nhận được, và trên hết là đồng hành cùng người học vượt qua chúng thay vì cấm cản.
– Nhớ rằng động lực nội sinh của mỗi người là khác nhau: Mỗi người đều là một cá nhân độc lập và độc nhất. Tùy thuộc vào những khác biệt bẩm sinh và qua quá trình trưởng thành, mỗi người học sẽ có những phản ứng khác nhau đối với cùng một hoạt động. Không một chương trình nào có thể phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Vì vậy, cần phải hiểu, tôn trọng, tiếp cận và phối hợp với mỗi người học trong một tâm thế mở nhằm cùng nhau tìm ra đâu là thứ khơi gợi động lực học tập trong họ.
– Thay vì bài trừ việc sử dụng các phần thưởng, trường học có thể tận dụng chúng một cách hiệu quả thông qua:
+ Sử dụng các phần thưởng và lời khen cho các tác vụ học sinh không có hứng thú. Trong quá trình học tập, học sinh không thể tránh khỏi việc phải thực hiện những công việc không đúng với sở thích, phần thưởng chắc chắn sẽ có lợi trong tình huống mà động lực nội sinh khó được khơi dậy.
+ Gắn phần thưởng với sự tiến bộ thay cho kết quả và thứ bậc.
+ Tập trung vào ý nghĩa của phần thưởng hơn là giá trị vật chất. Sử dụng phần thưởng như một phương tiện để bày tỏ sự công nhận chân thành với giá trị công việc và sự nỗ lực của người học.
+ Đưa ra những tiêu chuẩn cho phần thưởng gắn với lợi ích của người học thay vì những kết quả mà giáo viên mong muốn. Đưa ra những phần thưởng có ý nghĩa, gắn với sở thích cá nhân của học sinh cũng giúp tránh những cạnh tranh và căng thẳng không cần thiết trong lớp học.
+ Cuối cùng, lưu ý rằng, kể cả trong những lập luận “giải oan” cho phần thưởng, thì kết luận cũng hướng tới những vai trò tích cực của chúng trong việc thúc đẩy và duy trì động lực nội sinh. Phần thưởng không bao giờ nên là hệ thống duy nhất được sử dụng để tạo ra và thúc đẩy những hành vi mong muốn trong lớp học.
Tài liệu tham khảo
Cameron, J., & Pierce, W. D. (1994). Reinforcement, reward, and intrinsic motivation: A meta-analysis. Review of Educational research, 64(3), 363-423.
Froiland, J. M., Oros, E., Smith, L., & Hirchert, T. (2012). Intrinsic motivation to learn: The nexus between psychological health and academic success. Contemporary School Psychology: Formerly” The California School Psychologist”, 16(1), 91-100.
Kaplan, H., & Madjar, N. (2017, August). The motivational outcomes of psychological need support among pre-service teachers: Multicultural and self-determination theory perspectives. In Frontiers in Education (Vol. 2, p. 42). Frontiers.
Tatter., G. (2019). Unlocking the science of motivation. Harvard Graduate School of Education – Usable Knowledge.
Taylor, G., Jungert, T., Mageau, G. A., Schattke, K., Dedic, H., Rosenfield, S., & Koestner, R. (2014). A self-determination theory approach to predicting school achievement over time: The unique role of intrinsic motivation. Contemporary Educational Psychology, 39(4), 342-358.
Hoàng Minh Vũ, Linh Chi (EdLab Asia)