Đề thi Hóa học ‘bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu’
Theo thầy (.), câu hỏi thực tiễn trong đề thi Hóa học là xu thế tất yếu để kiểm tra khả năng tổng hợp kiến thức, vận dụng và thực hành kiến thức vào thực tế của học sinh.
Thầy (.) – giáo viên nhiều năm giảng dạy, luyện thi môn Hóa học – cho rằng, ngoài những đổi mới trong công tác tổ chức thi, tổ hợp môn thi và phương thức xét tuyển, nội dung của đề thi THPT quốc gia cũng được đổi mới.
Đề thi những năm gần đây, đặc biệt là đề thi năm 2015, đã chú trọng việc vận dụng kiến thức vào giải thích, giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đặc biệt những vấn đề mang tính thời sự nổi bật. Trong môn Hóa học, cũng có thể dễ dàng tìm thấy những câu hỏi/bài tập liên quan, giải thích hoặc giải quyết các vấn đề thời sự.
“Một số chủ đề nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở câu hỏi thực tiễn trong đề thi Hóa học như ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề về sức khỏe; ứng dụng của các chất Hóa học trong đời sống”, thầy (.) nhận định.
Về hình thức, nhiều khả năng các câu hỏi sẽ phù hợp xu hướng ra đề thi của thế giới. Học sinh nên lưu ý và làm quen với những câu hỏi được ra bằng cách cung cấp thông tin qua đoạn văn bản khoa học, tương tự như đề thi PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế).
Do đó, nếu không chuẩn bị kỹ, dù các kiến thức được vận dụng vẫn thuộc chương trình phổ thông, nhưng học sinh có thể cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng và bị tâm lý khi gặp các câu hỏi loại này.
www.hoahoc.org |
Từ phân tích đó, thầy (.) đưa ra một số câu hỏi thực tiễn mang tính thời sự về vấn đề “Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”, nhằm mục đích giúp các em làm quen. Phương án gạch chân là câu trả lời đúng.
Ví dụ 1: Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chỉ tính riêng trong năm qua, chúng ta đã lần lượt trải qua các đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè ở miền Bắc và miền Trung, đợt rét kỷ lục trong mùa đông ở miền Bắc, hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…
Nguyên nhân chính gây ra sự biến đổi này là các hoạt động kinh tế – xã hội của con người làm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên. Trong các khí sau, khí nào không gây ra hiệu ứng nhà kính?
A. CO2
B. O2
C. O3
D. CH4
Ví dụ 2: Trước những hậu quả nặng nề mà biến đổi khí hậu gây ra, trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau nỗ lực để ngăn chặn và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thông qua cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Một trong những văn bản đầu tiên có tính ràng buộc pháp lý trên phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực này là Nghị định thư Kyoto được ký kết vào năm 1997, với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân chính gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên và làm nước biển dâng.
Trong số các khí sau: CO2, N2, O2, N2O, CH4, CFC, có bao nhiêu khí nằm trong danh sách mục tiêu cắt giảm của Nghị định thư Kyoto?
A. 4
B. 2
C. 3
D. 1
Ví dụ 3: CFC (cloflocacbon) là ký hiệu chung chỉ nhóm các hợp chất hữu cơ mà trong phân tử có chứa 3 loại nguyên tố Cl, F, C. Ưu điểm của chúng là rất bền, không cháy, không mùi, không độc, không gây ra sự ăn mòn, dễ bay hơi… nên được dùng làm chất sinh hàn trong tủ lạnh, điều hòa không khí, tạo sol khí trong các bình xịt.
Tuy nhiên, do chúng có nhược điểm lớn là phá hủy tầng ozon bảo vệ Trái Đất nên từ những năm 1990, CFC bị hạn chế sử dụng theo các quy định của các công ước về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Freon – 12 là một loại chất CFC được sử dụng khá phổ biến, có chứa 31,4% flo và 58,68% clo về khối lượng. Công thức phân tử của freon – 12 là:
A. CCl3F
B. CCl2F2
C. CClF3
D. C2Cl4F4
Ví dụ 4: Trong quá khứ, chất độc hexacloran (tên đầy đủ là 1,2,3,4,5,6 – hexacloxiclohexan) có hiệu lực trừ sâu mạnh, từng được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp và làm dược phẩm (trị ghẻ, diệt chấy…).
Tuy nhiên, do là chất độc phân hủy rất chậm trong tự nhiên nên vào năm 2009, hexacloran đã bị đưa vào danh sách của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và bị cấm sử dụng tại 169 quốc gia trên thế giới.
Phần trăm khối lượng của clo trong hexacloran là?
A. 73,2%
B. 71,72%
C. 36,6%.
D. 35,86%.
Ví dụ 5: Dự án “Biến chất thải thành nguồn năng lượng sạch thông qua sử dụng công nghệ khí sinh học” (gọi tắt là dự án Biogas) của Việt Nam đã 3 lần vinh dự được nhận các Giải thưởng quốc tế uy tín bao gồm: Giải thưởng “Năng lượng toàn cầu” tại Brussels – Bỉ năm 2006; Giải thưởng Ashden về “Năng lượng bền vững” tại London – Anh năm 2010; Giải thưởng “Vì con người” tại Diễn đàn năng lượng thế giới, Dubai năm 2012 nhờ tính hiệu quả và quy mô lợi ích mà nó mang lại.
Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện mạnh mẽ môi trường sống của hàng trăm ngàn người dân ở nông thôn, trong đó khí biogas sản xuất từ chất thải chăn nuôi trở thành nguồn nhiên liệu trong sinh hoạt. Tác dụng của việc sử dụng khí biogas là:
A. Giảm giá thành sản xuất dầu, khí.
B. Phát triển chăn nuôi.
C. Đốt để lấy nhiệt, đun nấu và thắp sáng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
D. Giải quyết công ăn việc làm ở khu vực nông thôn.
Ví dụ 6: Hiện nay, các nguồn năng lượng, nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá, khí thiên nhiên… đang ngày càng cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch trong sinh hoạt của người dân ở nông thôn, người ta đã có giải pháp sản xuất khí metan bằng cách nào dưới đây?
A. Lên men các chất thải hữu cơ như phân gia súc trong hầm biogas.
B. Thu khí metan từ bùn ao.
C. Lên men ngũ cốc.
D. Cho hơi nước đi qua than nóng đỏ.
Ví dụ 7: Một trong những thách thức trong tương lai của loài người là tình trạng khan hiếm và cạn kiệt năng lượng. Để đảm bảo sự phát triển của nhân loại được bền vững, cần phải tiến hành thay thế dần việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng sạch. Trong số các nguồn năng lượng: (1) thủy điện, (2) gió, (3) mặt trời, (4) hoá thạch; những nguồn năng lượng sạch là:
A. (1), (2), (4).
B. (2), (3), (4).
C. (1), (3), (4).
D. (1), (2), (3).
Ví dụ 8: Tại Việt Nam, xăng sinh học E5 (được pha chế từ 5% etanol nguyên chất – E100 và 95% xăng RON92) được sử dụng thử nghiệm từ năm 2010.
Theo quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng thì từ ngày 1/12/2015, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc trên phạm vi toàn quốc.
Việc sử dụng xăng E5 góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng do đây là loại nhiên liệu sinh học có khả năng tái sinh, đồng thời trong quá trình cháy làm giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và giúp môi trường an toàn, trong sạch hơn.
Cồn etanol nguyên chất (E100) dùng để pha chế xăng E5 được điều chế bằng cách nào dưới đây?
A. Thủy phân etyl clorua trong kiềm nóng.
B. Hiđro hóa etanal với xúc tác Ni nung nóng.
C. Lên men tinh bột sắn.
D. Hiđrat hóa etilen thu được từ quá trình sản xuất dầu mỏ.
Ví dụ 9: Môi trường không khí, đất, nước… xung quanh các nhà máy công nghiệp thường bị ô nhiễm nặng bởi khí độc, ion kim loại nặng và các hóa chất. Biện pháp nào dưới đây không thể được sử dụng để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường?
A. Thực hiện chu trình khép kín để tận dụng chất thải một cách hiệu quả.
B. Thay đổi công nghệ sản xuất để hạn chế chất thải độc hại.
C. Xả thải trực tiếp ra không khí, sông, biển để pha loãng chất thải độc hại.
D. Đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
Ví dụ 10: Các khí thải công nghiệp và của các động cơ ôtô, xe máy… là nguyên nhân chủ yếu gây ra mưa axit. Những thành phần hóa học chủ yếu trong các khí thải trực tiếp gây ra mưa axit là:
A. SO2, CO, NO.
B. SO2, CO, NO2.
C. NO, NO2, SO2.
D. NO2, CO2, CO.
Theo zing
viethoa5 says
Nội dung đề thi rất hay, tiếp cận thực tiễn cuộc sống