Vậy là chỉ còn gần 40 ngày nữa là tất cả thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, vì vậy đây được coi là giai đoạn quan trọng để thí sinh củng cố lại toàn bộ kiến thức. Nhưng phân bố thời gian ôn thi thế nào mới hiệu quả? Những bước dưới đây sẽ mách bạn cách lập chiến thuật ôn thi khi chỉ còn hơn 1 tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại (24/5) bạn chỉ còn gần 40 ngày nữa để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 1, 2, 3, 4/7 sắp tới. Chính bởi vậy bạn không nên dành thời gian để ôn tất cả các bài một cách tràn lan không có định hướng và trọng tâm rõ ràng. Việc cần làm bây giờ là lập một chiến thuật ôn thi cho bản thân mình và tuân thủ theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Để giúp bạn có những ngày ôn thi cuối cùng thật hiệu quả, https://hoahoc.org/ sẽ mách bạn các bước bạn cần đặt ra và đạt được trong gần 40 ngày tới:
1. Trong 10 ngày cuối tháng 5:
Hãy tận dụng 10 ngày cuối cùng của tháng 5 để tổng hợp lại toàn bộ kiến thức ở các môn bạn đăng ký dự thi. Hãy tự lập cho mình bước khởi đầu và sự kết thúc tức là tự đặt ra cho bản thân rằng sau 10 ngày bạn sẽ làm được những gì, những phần kiến thức nào bạn cần nắm được…Tốt nhất là đảm bảo trong 10 ngày bạn có thể bao quát được hầu hết các nội dung của môn học đó. Để làm được điều này, cách tốt nhất nên vận dụng sơ đồ tư duy – đây là phương pháp cực hiệu quả giúp bạn nhớ kiến thức nhanh nhất tránh việc học thuộc mất thời gian.
Đồng thời cần tiến hành các bước sau:
Bước 1: Lên lịch trình trong một ngày, một tuần cho riêng mình.
Tùy thuộc vào hoạt động cá nhân, các bạn hãy tự sắp xếp lại lịch trình của mình một cách khoa học nhất có thể để đảm bảo vừa ôn tập hiệu quả vừa có khoảng thời gian nghỉ ngơi thật hợp lý.
Bước 2: Chọn môn mũi nhọn
Đây không là giai đoạn bạn ôn thi một cách tràn lan tất cả các môn nữa. Thay vào đó bạn cần chú trọng hơn vào những môn, những nội dung trọng tâm. Chẳng hạn bạn quy định buổi chiều sẽ học Toán và Văn trong khoảng 3 tiếng, như vậy không có nghĩa là bạn chia đều mỗi môn trong khoảng 1 tiếng rưỡi mà bạn cần xác định xem môn nào có lượng kiến thức nhiều hơn mà bạn cần để phân chia thời gian cho hợp lý.
2. Trong 30 ngày còn lại của tháng 6
Sau khi đã nắm được kiến thức, đây sẽ là giai đoạn bạn vận dụng kiến thức vào các đề thi thử. Lưu ý trong giai đoạn này không nên học thêm quá nhiều bởi đây là thời điểm tiêu hóa kiến thức chứ không phải nhồi nhét kiến thức.
Việc cần làm là tìm những cuốn sách có đề thi cũng như làm dạng đề thi thử của các trường được đăng tải trên các trang thông tin điện tử như luyenthienet.com
Trong quá trình giải đề cần lưu ý:
Lấy một đề thi thử bất kỳ của năm trước hoặc của các trường giải thử trong khoảng thời gian quy định cũng như tuân thủ đúng quy chế thi. Sau khi hết giờ làm bài thì dừng bút và tiến hành so sánh với đáp án xem mình được bao nhiêu điểm.
Sau đó tiến hành phân tích đề, phân tích khả năng của mình, chú trọng vào những dạng bài chưa làm được hoặc làm sai.
Tuy nhiên cũng đừng cố gắng quá sức, hôm đầu tiên nên dừng ở việc giải từ 3 – 4 đề và tăng dần ở những ngày tiếp theo.
Những hôm tiếp theo sẽ dành một khoảng thời gian ngắn để làm lại dạng bài xuất hiện trong đề hôm trước đó nhưng mình không làm được – đây được coi là công đoạn ôn lại nhằm mục đích làm đến đâu chắc đến đó.
Khi đã bước vào những ngày cuối cùng của giai đoạn ôn thi, tâm lý chính là vấn đề bạn cần kiểm soát tốt nhất nếu không bạn sẽ bị sự lo lắng, bất an và kể cả sự sợ hãi lấn áp và khiến bạn không thể tập trung ôn thi.
Đồng thời, trong những ngày cuối, bạn không nên quá chú tâm vào việc mình phải ôn hết tất cả các kiến thức mà thay vào đó hãy xem lại những kiến thức bạn chắc chắn “ăn điểm” để củng cố lại lần cuối cùng và đảm bảo không để những nhầm lẫn hay sai sót khiến bạn mất điểm.