Chất độc VX: Vũ khí ám sát, giết người hàng loạt đáng sợ bậc nhất thế giới
Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật gần đây là vụ ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, vừa bị ám sát. Điểm đáng chú ý là cảnh sát Malaysia đã phát hiện dấu vết chất độc VX trên cơ thể của nạn nhân.
Vậy VX là gì?
Có thể nói sau khi Chiến tranh Thế giới Lần 2 (WW2) kết thúc, rất nhiều thứ đã ra đời. Phần lớn chúng được “kế thừa” từ các công trình nghiên cứu của Phát Xít Đức (Nazi). Một trong số đó là chất độc Sarin, vốn được phát hiện ra từ 1938, khi hãng dược và hoá chất IG Farben đang cố tìm ra một loại thuốc trừ dịch hại (sâu bệnh, virus, vi khuẩn…) mới mạnh hơn các loại cũ. Điều oái ăm là tới 1939, công thức của Sarin đã được gửi tới phòng vũ khí hoá học thuộc Văn phòng Vũ khí Quân đội Đức nhằm phục vụ cho mục đích chiến tranh. May mắn thay, WW2 kết thúc khi Sarin chỉ mới được sản xuất thử nghiệm và chưa có người lính Đồng Minh (Allied) nào mất mạng vì nó.
Sau khi phát xít Đức thất bại, các công trình của họ liền bị các nước Đồng Minh “vơ vét”, bao gồm cả Sarin. Lấy “cảm hứng” từ đấy, vào năm 1952, người Anh đã phát triển ra một hoá chất mới với tên gọi VX. Có thể nói VX là phiên bản “nâng cấp” từ Sarin khi có công thức hoá học phức tạp hơn, độc tính cao hơn nhưng vẫn hoạt động theo một cơ chế tương tự.
Cả Sarin và VX được xếp vào nhóm chất độc thần kinh – tức các hợp chất hữu cơ có chứa nguyên tử phosphor (P) mà sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ ngăn cản quá trình gửi tín hiệu thần kinh đến các cơ quan. Cơ chế ngăn cản này dựa trên việc “khoá cứng” Acetylcholinesterase (ACHE), một enzyme có vai trò xúc tác cho quá trình bẻ gãy Acetylcholine (ACh), một hợp chất dùng để truyền tín hiệu thần kinh. ACh được các neuron gửi tới các cơ bắp nhằm kích thích chúng hoạt động. Và ACHE có tác dụng như “lệnh tắt” để giải phóng các bó cơ sau khi hoạt động của chúng đã đáp ứng yêu cầu của neuron, nhằm giúp các cơ bắp thư giãn. Song nếu ACHE bị chặn lại, phân tử ACh vẫn tiếp tục tồn tại và các bó cơ sẽ bị kéo căng liên tục không ngừng nghỉ. Về mặt lâu dài, các cơ bắp bị kéo căng liên tục sẽ dẫn tới việc cơ thể không còn kiểm soát được các hoạt động của các cơ quan và nếu không được chữa kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong do suy hô hấp.
Do độc tính đáng sợ trên, VX hay Sarin nói riêng và các chất độc thần kinh bị xem là vũ khí hoá học có sức huỷ diệt hàng loạt (mass destruction). Nó bị cấm dùng trong chiến tranh theo Hiệp định Vũ khí Hoá học 1993 cũng như bị cấm sản xuất và lưu trữ ở số lượng lớn (trên 100 gram/năm). Nó chỉ được dùng với “mục đích nghiên cứu, y tế hoặc dược học” với số lượng cực kỳ hạn chế.
Được biết ngoài Anh, các nước như Nga, Mỹ, Syria và Iraq đã sao chép được VX. Nhưng số lượng của chất độc này trên thế giới là một bí ẩn mà không quốc gia nào trực tiếp công khai. Về đặc tính vật lý, ở điều kiện thường, VX là một chất lỏng dạng dầu, màu vàng nhạt, không mùi và không vị.
VX độc như thế nào? Các triệu chứng nhiễm VX?
Hai dạng phổ biến của VX là hơi và lỏng. Ở dạng hơi, VX có khả năng giết người cao nhất thông qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da. Ở dạng lỏng, VX có thể được hoà vào nguồn nước cấp sinh hoạt hay bỏ vào thức ăn của nạn nhân. Và vì là chất độc thần kinh, VX làm cho quá trình gửi tín hiệu tới cơ bắp của neuron bị ngắt quãng. Kết quả là cơ thể nạn nhân sẽ cực kỳ mệt mỏi và nặng hơn là chết vì không thể thở được. Điểm đáng sợ của VX là nó có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường. Nó bay hơi chậm nên dù kể cả khi nạn nhân “chính” đã chết, những người vô tội khác vẫn có rủi ro mất mạng nếu tiếp xúc với hàm lượng đủ lớn.
Tuy vậy, do tính bền tương đối này, nhiều người đặt ra nghi vấn liệu có thực sự ông Kim Jong Nam bị ám sát bởi VX hay không? Vì hai người phụ nữ được cho là được thuê để phun VX vào mặt nạn nhân cũng không hay biết về loại chất lỏng mà họ cầm trong tay. Chưa kể xung quanh nạn nhân cũng có những hành khách. Trong trường hợp nếu là VX thật sự, thì con số nạn nhân chỉ dừng ở một người rất khó hiểu.
Vậy giả dụ, nếu chẳng may bạn tiếp xúc “trúng” VX thì các triệu chứng sẽ là gì? Câu trả lời là tuỳ thuộc vô hàm lượng VX mà bạn bị phơi nhiễm, triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc tới 18 giờ sau đó. Trong kịch bản tệ nhất, 10 milligram tiếp xúc qua da sẽ khiến bạn co giật, mất tự chủ, bị tê liệt hoàn toàn và sau cùng là cái chết, do hệ hô hấp đã ngừng hoạt động khiến oxygen không chuyển lên não kịp. Thông thường não sẽ chết sau 5 phút không có oxygen. Việc não bị thiếu oxygen trong thời lượng ngắn hơn cũng sẽ gây các tổn hại nghiêm trọng về thần kinh.
Nhưng nếu “may mắn”, bạn không bị phơi nhiễm bởi liều lượng gây chết (lethal dose) thì một liều lượng thấp hơn cũng rất nguy hiểm. Các triệu chứng có thể xảy đến bao gồm nhịp tim tăng mạnh, mắt mờ, buồn nôn, tiêu chảy, chảy nước mũi, đau đớn toàn thân và chân tay bủn rủn (vì các bó cơ bị kích thích liên tục mà không được thả lỏng). Ở mức độ “nhẹ nhàng”, VX gây ra các triệu chứng bối rối và uể oải.
Cảnh sát Malaysia cho biết nghi phạm người Indonesia đã bị nôn trong xe taxi trên đường từ sân bay sau cuộc tấn công nhưng hiện đã ổn. Nghi phạm không khoẻ, có thể do tiếp xúc với chất độc. Giới chức Malaysia cũng tuyên bố cần kiểm tra thêm để xác định có phải hai nghi phạm có được dùng thuốc giải độc để không chết do chất độc thần kinh VX hay không.
Xử lý thế nào khi phát hiện người bị dính VX?
Đây là một tình huống khá hóc búa vì chúng ta thường không thể biết được liều lượng đã phơi nhiễm là bao nhiêu, và phơi nhiễm trong bao lâu. Hãy giả định nạn nhân bị phơi nhiễm một lượng không đủ gây chết, nhưng vẫn gây ra các triệu chứng như đã nêu. Lúc ấy hãy nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nghi vấn có VX. Cần chú ý vì lúc này các cơ của nạn nhân đang bị căng và họ có thể sẽ rất khó di chuyển. Nếu bạn chọn cách cõng hoặc bế nạn nhân đi (tiếp xúc trực tiếp với cơ thể), cần đảm bảo rằng vùng da tiếp xúc của bạn không bị dính lượng VX đang có trên nạn nhân. Đặc điểm nhận dạng VX dạng lỏng là nó hơi nhớt, có màu hơi vàng (nồng độ loãng màu sẽ nhạt hơn và có thể không màu).
Nếu tình huống khá nghiêm trọng thì bạn cần lau sạch VX trên người nạn nhân trước khi di chuyển. Dùng khăn bông và nước sạch để tẩy rửa các vết VX (cần thận trọng để bạn không bị dính VX lên da của chính mình). Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bạn thì lời khuyên vẫn là nên đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước (vì chất độc vẫn còn ở đâu đó và chính bạn có thể là nạn nhân tiếp theo). Nếu VX dính trên quần áo của nạn nhân thì bạn hãy lập tức thay trang phục khác cho họ (và đừng quên lau sạch các vết VX trên người họ). Do đây là tình huống khá… nhạy cảm nên bạn hãy tự giải quyết các vấn đề phát sinh khác…
Bạn cũng có thể tiến hành kết hợp bằng cách lau tạm các vết VX lộ ngoài da trước rồi tiến hành di chuyển nạn nhân sau. Sau đó tiếp tục quá trình tẩy rửa VX khi đã đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp bạn có kiến thức về y tế, thì có một số chất kháng (antidote) VX nói riêng và chất độc thần kinh nói chung. Như đã biết, các chất độc thần kinh ngăn cản enzyme ACHE bẻ gãy chất ACh vốn do các neuron tiết ra. Do đó, để xử lý hiện tượng nhiễm độc trên, chúng ta có 2 hướng. Hướng thứ nhất là giải phóng các enzyme ACHE vốn đã bị ức chế, cho phép chúng hoạt động trở lại để bẻ gãy chất ACh, từ đó trả các bó cơ về trạng thái bình thường. Hướng thứ hai là trực tiếp bẻ gãy chất ACh mà không giải phóng enzyme ACHE.
Với hướng đầu, chúng ta có Pralidoxime (hoặc 2-PAM). Sau khi được đưa vào cơ thể, nó sẽ giải phóng enzyme ACHE khỏi các chất độc thần kinh có gốc phosphor. ACHE sau khi được giải phóng sẽ làm “nhiệm vụ” của nó là bẻ gãy ACh. Ở hướng thứ hai, chúng ta có Atropine, một chất có tác dụng bẻ gãy ACh. Do Atropine “xử lý trực tiếp” ACh nên tốc độ giải độc sẽ nhanh hơn. Nhưng bù lại, Atropine là một chất độc vì cơ chế của nó là bẻ gãy ACh làm giảm cường độ hoạt động của các bó cơ. Trên thực tế, Atropine còn được dùng như một chất để làm giảm nhịp tim. Việc dùng với hàm lượng quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng liệt các cơ tạm thời (vì không còn ACh để bắt chúng làm việc), nạn nhân cũng sẽ bị uể oải hoặc đuối sức vì cơ không hoạt động được. Do vậy tuy có tốc độ nhanh hơn, song Atropine lại kém an toàn hơn Pralidoxime vì Pralidoxime can thiệp trực tiếp vào các enzyme lỗi.
Lẽ tất nhiên nếu bạn không chắc chắn hoặc không có đủ kiến thức y tế hoặc không có đủ các hoá chất cần thiết, hãy đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để được điều trị kịp thời (sau khi tẩy rửa VX khỏi cơ thể họ).
Triều Tiên đã sản xuất được VX và vũ khí hoá nó hay chưa?
Những ngày gần đây, các thông tin từ phương Tây cho rằng ông Kim Jong Nam đã bị sát thủ của Triều Tiên ra tay vì lý do chính trị. Song phía Triều Tiên phản bác lại rằng Hàn Quốc đã can thiệp vô nhà cầm quyền Malaysia để đưa tin không tốt cho nước này. Và việc 2 nghi phạm xịt nước vào mặt nạn nhân phần nào tỏ ra không hợp lý khi chính họ cũng không biết đấy là chất độc. Chưa kể có rất nhiều hành khách cũng có mặt tại đấy. Trước đây, vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo bằng khí độc Sarin (cơ chế tương tự VX) do tổ chức tôn giáo Aum Shinrikyo gây ra đã khiến cho 12 người chết và tổn thương nghiêm trọng cho 50 người khác. Điều này cho thấy nếu VX thực sự là chất được dùng để ám sát Kim Jong Nam, thì người sử dụng nó phải hết sức chuyên nghiệp khi chỉ có một nạn nhân duy nhất ở chốn đông người.
Trước khi Hiệp định Vũ khí Hoá học 1993 được thông qua, một trong các trường hợp hiếm hoi sử dụng VX trong chiến tranh là cuộc chiến giữa Iran vs. Iraq diễn ra vào năm 1988. Tổng thống Iraq lúc bấy giờ, Saddam Hussein, đã thừa nhận với Liên Hợp Quốc (UN) là phía Iraq có nghiên cứu VX. Tuy vậy nước này chưa đạt tới trình độ vũ khí hoá chất độc này. Sau khi Mỹ và liên quân tiến vào Iraq, họ không tìm thấy bất kỳ loại vũ khí nào dựa trên VX, ngoại trừ dấu vết của VX trên một số đầu đạn. Kể từ sau vụ việc đó, Hiệp định Vũ khí Hoá học 1993 được ra đời để ngăn chặn các quốc gia nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng các chất độc trên ở dạng vũ khí huỷ diệt. Cho đến nay hầu hết các thành viên Liên Hiệp Quốc đều đã ký vào hiệp định trên, chỉ có 3 quốc gia thành viên là Triều Tiên, Ai Cập và Nam Sudan không tham gia vào. Vì vậy, cộng đồng quốc tế hết sức “tâm tư” về việc 3 nước này có tiếp tục nghiên cứu, sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hoá học hay không.
Được phát minh ra từ 1952, công thức hoá học của VX không còn gì mới. Vấn đề duy nhất là làm sao sản xuất ra nó và không phải quốc gia nào cũng nắm được kỹ thuật này. Đáng chú ý, vào 1958, người Anh đã chuyển giao công nghệ sản xuất VX cho người Mỹ, trong một thoả thuận nhằm có được công nghệ về bomb nhiệt hạch (mạnh hơn bomb hạt nhân). Từ đấy, người Mỹ tiến hành các nghiên cứu xa hơn và phát triển thêm các chất độc thần kinh mới có tên VE, VG. VM. Cùng với VX, các chất độc mới trên hợp thành một nhóm độc chất có tên “V-Series”.
Quay lại với Triều Tiên, câu hỏi là liệu nước này đã sản xuất được VX và đã vũ khí hoá được nó hay chưa? Nếu đã vũ khí hoá được thì nó có thể tấn công như thế nào?
Các chuyên gia phương Tây cho rằng vì Triều Tiên không ký tên vào Hiệp định Vũ khí Hoá học 1993, nên không loại trừ khả năng nước này đã sản xuất được VX và đã vũ khí hoá nó. Nhưng kể cả đã vũ khí hoá VX, liệu họ có thể gắn nó trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tấn công tới các quốc gia không có đường biên giới liền kề hay không? Corey Wallace, nhà phân tích chính sách an ninh Đông Á thuộc trường ĐH Freie (Đức), nhận định rất khó để vũ khí hoá VX, đặc biệt khi gắn trên tên lửa. Lý do vì độ chính xác của các tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất vẫn là một câu hỏi lớn. Ngoài ra, kể cả khi tên lửa của Triều Tiên rơi trúng mục tiêu, thì hợp chất VX bên trong đầu đạn sẽ bị phá huỷ trong vụ nổ (VX là một hợp chất hữu cơ). Có nghĩa kể cả có thương vong xảy ra, thì chủ yếu đến từ chính vụ nổ của quả tên lửa hơn là từ lượng VX mang theo nó.
Như vậy, nguy cơ tấn công VX hàng loạt vào nước khác bằng ICBM từ Triều Tiên là rất thấp. Chỉ còn lại khả năng sử dụng VX dưới dạng bom thả từ trên cao hoặc các bình xịt mang theo bên người. Nên các chuyên gia phương Tây nhận định mối đe doạ vũ khí hoá học của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế là không lớn, chỉ loanh quanh trên bán đảo Triều Tiên.
(Tổng hợp)