Bài tập hóa học trong dạy học hóa học
Trong thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, BTHH giữ vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo. BTHH vừa là mục đích, vừa là nội dung lại vừa là phương pháp dạy học hiệu quả, nó không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, con đường giành lấy kiến thức mà còn mang lại niềm vui của quá trình khám phá, tìm tòi, phát hiện của việc tìm ra đáp số. Đặc biệt BTHH còn mang lại cho người học một trạng thái hưng phấn, hứng thú nhận thức. Đây là một yếu tố tâm lý quan trọng của quá trình nhận thức đang được chúng ta quan tâm.
1. Bài tập trắc nghiệm
Trắc nghiệm là hình thức đo đạc được “tiêu chuẩn hoá”cho mỗi cá nhân học sinh bằng “điểm”.
Mục tiêu của trắc nghiệm là đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh.
Các bài tập trắc nghiệm có thể chia làm 2 loại là bài tập trắc nghiệm tự luận và bài tập trắc nghiệm khách quan.
a. Trắc nghiệm tự luận
Trắc nghiệm tự luận (TNTL) là phương pháp đánh giá kết quả học tập bằng việc sử dụng công cụ đo lường là các câu hỏi, học sinh trả lời dưới dạng bài viết trong một khoảng thời gian đã định trước.
Ưu điểm
– Cho phép kiểm tra được nhiều người trong một thời gian ngắn, tốn ít thời gian và công sức cho việc chuẩn bị của giáo viên.
– Rèn cho học sinh khả năng trình bày, diễn tả câu trả lời bằng chính ngôn ngữ của họ, đo được mức độ tư duy (khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh); TNTL không những kiểm tra được mức độ chính xác của kiến thức mà còn kiểm tra được kỹ năng giải bài định tính cũng như định lượng của học sinh.
– Có thể KT-ĐG các mục tiêu liên quan đến thái độ, sự hiểu biết những ý niệm, sở thích và khả năng diễn đạt tư tưởng của học sinh.
– Hình thành cho học sinh kỹ năng sắp đặt ý tưởng, suy diễn, phân tích, tổng hợp khái quát hoá…; phát huy tính độc lập tư duy sáng tạo của học sinh.
Nhược điểm
– Bài kiểm tra theo kiểu tự luận khó đại diện đầy đủ cho nội dung môn học do số lượng nội dung ít.
– Việc chấm điểm phụ thuộc vào người đặt thang điểm và chủ quan của người chấm.
– Điểm số có độ tin cậy thấp và nhiều nguyên nhân như: phụ thuộc vào tính chất chủ quan, trình độ người chấm, học sinh có thể học tủ, học lệch.
b. Trắc nghiệm khách quan
Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) là phương pháp KT-ĐG kết quả học tập của học sinh bằng hệ thống bài tập TNKQ, gọi là “khách quan” vì cách cho điểm hoàn toàn khách quan không phụ thuộc vào người chấm.
Bài tập trắc nghiệm khách quan có thể chia làm 4 loại chính sau:
Ưu điểm
– Trong một thời gian ngắn có thể kiểm tra được nhiều kiến thức đối với nhiều học sinh; vì vậy buộc học sinh phải nắm được tất cả các nội dung kiến thức đã học, tránh được tình trạng học tủ, học lệch.
– Tiết kiệm được thời gian và công sức chấm bài của giáo viên.
– Việc tính điểm rõ ràng, cụ thể nên thể hiện tính khách quan, minh bạch
– Gây hứng thú và tích cực học tập của học sinh.
– Giúp học sinh phát triển kỹ năng nhận biết, hiểu, ứng dụng và phân tích.
– Với phạm vi nội dung kiểm tra rộng, học sinh không thể chuẩn bị tài liệu để quay cóp. Việc áp dụng công nghệ mới vào việc soạn thảo các đề thi cũng hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng quay cóp và trao đổi bài.
Nhược điểm
– TNKQ không cho phép kiểm tra năng lực diễn đạt (viết hoặc dùng lời); tư duy sáng tạo, khả năng lập luận của học sinh.
– TNKQ không cho phép kiểm tra khả năng sáng tạo chủ động, trình độ tổng hợp kiến thức, cũng như phương pháp tư duy, suy luận, giải thích, chứng minh của học sinh. Vì vậy với cấp học càng cao thì khả năng áp dụng của hình thức này càng bị hạn chế.
– TNKQ chỉ cho biết kết quả suy nghĩ của học sinh mà không cho biết quá trình suy nghĩ, nhiệt tình, hứng thú của học sinh đối với nội dung được kiểm tra, do đó không đảm bảo được chức năng phát hiện lệch lạc của kiểm tra.
– Học sinh có thể chọn đúng ngẫu nhiên.
– Việc soạn thảo các bài tập TNKQ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
– TNKQ không cho giáo viên biết được tư tưởng, nhiệt tình, hứng thú, thái độ của học sinh đối với vấn đề nêu ra.
– Không thể kiểm tra được kỹ năng thực hành thí nghiệm.
Tuy có những nhược điểm trên nhưng phương pháp TNKQ vẫn là phương pháp kiểm tra – đánh giá có nhiều ưu điểm, đặc biệt là tính khách quan, công bằng và chính xác. Do đó, cần thiết phải sử dụng TNKQ trong quá trình dạy học và kiểm tra – đánh giá kết quả học tập môn Hoá học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Cho đến nay, các câu trắc nghiệm với nhiều lựa chọn vẫn được thông dụng nhất, vì chúng có thể phục vụ một cách hiệu quả cho việc đo lường thành quả học tập, hơn nữa loại câu này cho phép chấm điểm bằng máy. Vì vậy trong luận văn này chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống câu trắc nghiệm với nhiều lựa chọn.
2. Tác dụng của bài tập hóa học
Thực tiễn DH HH ở trường THPT cho thấy, BTHH có những ý nghĩa và tác dụng to lớn:
+ Làm chính xác hoá những khái niệm HH; củng cố, đào sâu và mở rộng kiến thức một cách sinh động, phong phú, hấp dẫn; chỉ khi vận dụng kiến thức vào giải BT, HS mới nắm được kiến thức một cách sâu sắc.
+ Giúp HS ôn tập, hệ thống hoá kiến thức một cách tích cực.
+ Rèn luyện các kĩ năng HH như cân bằng PTPƯ, tính theo công thức và PT….
+ Rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất và bảo vệ môi trường.
+ Rèn kĩ năng sử dụng ngôn ngữ HH và các thao tác tư duy.
+ Phát triển các năng lực tư duy logic, biện chứng, khái quát, độc lập, thông minh và sáng tạo.
+ Là phương tiện để kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng của HS.
+ Giáo dục đạo đức; tính chính xác, kiên nhẫn, trung thực và lòng say mê khoa học.
3. Xu hướng phát triển của bài tập hóa học
Thực tế cho thấy có nhiều bài tập hóa học còn quá nặng nề về thuật toán, nghèo nàn về kiến thức hóa học và không có liên hệ với thực tế hoặc mô tả không đúng với các quy trình hóa học. Khi giải các bài tập này thường mất thời gian tính toán toán học, kiến thức hóa học lĩnh hội được không nhiều và hạn chế khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học hóa học của học sinh. Các dạng bài tập này dễ tạo lối mòn trong suy nghĩ hoặc nhiều khi lại quá phức tạp, rối rắm với học sinh làm cho các em thiếu tự tin vào khả năng của bản thân dẫn đến chán học, học kém.
Định hướng xây dựng chương trình sách giáo khoa THPT của Bộ GD&ĐT (năm 2002) có chú trọng đến tính thực tiễn và đặc thù của môn học trong lựa chọn kiến thức nội dung sách giáo khoa. Quan điểm thực tiễn và đặc thù của hóa học cần được hiểu ở các góc độ sau đây:
– Nội dung kiến thức hóa học phải gắn liền với thực tiễn đời sống, xã hội cộng đồng.
– Nội dung kiến thức phải gắn với thực hành, thí nghiệm hóa học và tăng cường thí nghiệm hóa học trong nội dung học tập.
– Bài tập hóa học phải đa dạng, phải có nội dung hóa học thiết thực trên cơ sở của định hướng xây dựng chương trình hóa học Phổ thông thì xu hướng phát triển chung của bài tập hóa học trong giai đoạn hiện nay cần đảm bảo các yêu cầu:
+ Nội dung bài tập phải ngắn gọn, súc tích, không quá nặng về tính toán mà cần chú ý tập trung vào rèn luyện và phát triển các năng lực nhận thức, tư duy hóa học và hành động cho học sinh. Kiến thức mới hoặc kiểm nghiệm các dự đoán khoa học.
+ Bài tập hóa học cần chú ý đến việc mở rộng kiến thức hóa học và các ứng dụng của hóa học trong thực tiễn. Thông qua các dạng bài tập này làm cho học sinh thấy được việc học hóa học thực sự có ý nghĩa, những kiến thức hóa học rất gần gũi thiết thực với cuộc sống. Ta cần khai thác các nội dung về vai trò của hóa học với các vấn đề kinh tế, xã hội môi trường và các hiện tượng tự nhiên, để xây dựng các bài tập hóa học làm cho bài tập hóa học thêm đa dạng kích thích được sự đam mê, hứng thú học tập bộ môn.
+ Bài tập hóa học định lượng được xây dựng trên quan điểm không phức tạp hóa bởi các thuật toán mà chú trọng đến nội dung hóa học và các phép tính được sử dụng nhiều trong tính toán hóa học.
+ Cần sử dụng bài tập trắc nghiệm khách quan, chuyển hóa một số dạng bài tập tự luận, tính toán định lượng sang dạng trắc nghiệm khách quan.
Như vậy xu hướng phát triển của bài tập hóa học hiện nay hướng đến rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức, phát triển khả năng tư duy hóa học cho học sinh ở các mặt: lí thuyết, thực hành và ứng dụng. Những bài tập có tính chất học thuộc trong các bài tập lí thuyết sẽ giảm dần mà được thay bằng các bài tậpđòi hỏi sự tư duy, tìm tòi.
4. Quan hệ giữa bài tập hóa học với việc phát triển năng lực nhận thức của học sinh
Trong học tập hoá học, một trong những hoạt động chủ yếu để phát triển tư duy cho học sinh là hoạt động giải bài tập. Vì vậy, giáo viên cần phải tạo điều kiện để thông qua hoạt động này các năng lực tư duy được phát triển, học sinh sẽ có những phẩm chất tư duy mới, thể hiện ở:
– Năng lực phát hiện vấn đề mới.
– Tìm ra hướng mới.
– Tạo ra kết quả học tập mới.
Để có được những kết quả trên, người giáo viên cần ý thức được mục đích của hoạt động giải BTHH, không phải chỉ là tìm ra đáp số đúng mà còn là phương tiện khá hiệu quả để rèn luyện tư duy hoá học cho học sinh. BTHH phong phú và đa dạng, để giải được BTHH cần phải vận dụng nhiều kiến thức cơ bản, sử dụng các thao tác tư duy so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, trừu tượng hoá, … Qua đó học sinh thường xuyên được rèn luyện ý thức tự giác trong học tập, nâng cao khả năng hiểu biết của bản thân.
Thông qua hoạt động giải bài tập sẽ giúp cho tư duy được rèn luyện và phát triển thường xuyên, đúng hướng, thấy được giá trị lao động, nâng khả năng hiểu biết thế giới của học sinh lên một tầm cao mới, góp phần cho quá trình hình thành nhân cách toàn diện của học sinh.