5 điều cần lưu ý khi ôn thi THPT quốc gia giai đoạn “nước rút”
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, hầu hết học sinh đều gấp rút học và luyện các dạng bài mà đề thi này đề cập đến. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt kỳ thi với rất nhiều đổi mới này, thí sinh cần chuẩn bị những gì?
Không coi nhẹ phần lí thuyết, đặc biệt là lí thuyết các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học
Rất nhiều học sinh thắc mắc về việc nên tập trung ôn tập lí thuyết hay bài tập khi chỉ còn chưa đầy một tháng. Trả lời câu hỏi này, thầy giáo Trần Đức, giáo viên Vật lí chia sẻ: “Dựa vào đề tham khảo môn Vật lí mà Bộ GD-ĐT đã công bố, tỉ lệ câu hỏi lí thuyết và bài tập tương đương nhau. Tuy nhiên khi vào phòng thi, các em nên hoàn thành một lượt lí thuyết trước để chắc điểm những câu hỏi này, sau đó mới đi vào giải quyết bài tập. Đặc biệt là các em chỉ có mục tiêu xét tốt nghiệp hoặc mục tiêu 8đ thì nên tập trung hơn vào lí thuyết”.
Cũng theo thầy Trần Đức, lí thuyết trong đề Vật lí không theo hướng học thuộc, tức là học sinh cần có sự vận dụng thực tế, liên hệ giữa các kiến thức. Cùng trong một câu hỏi có thể sử dụng nhiều kiến thức khác nhau. Như vậy, học sinh cần phải nắm chắc các lí thuyết cơ bản trong SGK cơ bản và làm nhiều câu hỏi trắc nghiệm để luyện tư duy và xử lý bài.
Cũng nhấn mạnh điều này, thầy giáo Hóa học Nguyễn Ngọc Anh khuyên học sinh: “So với việc cải thiện thêm kĩ năng làm bài tập khó thì các em nên tập trung nhiều thời gian hơn để hệ thống hóa lại lí thuyết, làm nhiều bài tập lí thuyết để hiểu sâu, nhớ lâu. Đặc biệt, cần tham khảo 3 đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố để nắm bắt được dạng bài lí thuyết có thể xuất hiện trong đề thi chính thức”.
Chú trọng luyện đề thi thử đúng cách
Bạn Vũ Linh, học sinh trường THPT Vân Nội – Đông Anh chia sẻ: “Hiện tại thì em và các bạn ở lớp đều tập trung luyện đề cũng như tích cực tham gia thi thử ở các trường THPT. Tuy nhiên, bọn em đều gặp khó khăn khi tìm kiếm đề thi. Vì đề thi năm nay nhiều thay đổi nên bọn em rất khó để kiểm tra xem đề thi có đúng như cấu trúc của đề thi năm 2017 hay không”.
Cô giáo Trương Hoàng Anh, giáo viên Tiếng Anh chia sẻ: “Với môn Tiếng Anh, luyện càng nhiều đề thì các em sẽ “va vấp” với nhiều tình huống có thể gặp trong đề thi thật, đây cũng là cách để trau dồi từ vựng hữu hiệu nhất. Các em nên luyện càng nhiều đề càng tốt, mỗi ngày nên luyện từ 1, 2 đề.
Khi luyện đề, nên tự giới hạn thời gian bằng hoặc nhỏ hơn thời gian thực tế, tự chấm điểm và ghi chú lại những phần mình làm sai vào 1 cuốn sổ tay để rút kinh nghiệm, phân tích rõ lý do vì sao mình sai phần kiến thức nào mình còn hổng để kịp thời bổ sung. Nếu là lỗi sai về từ vựng thì em cần ghi chú lại từ vựng đó ra 1 cuốn sổ tay (kèm theo cách phát âm, collocations (sự kết hợp tự nhiên) và family words (các N, V, ADJ có cùng gốc)”.
Cô giáo Trương Hoàng Anh còn khuyên học sinh nên học, luyện đề vào khoảng thời gian 7h30-11h và 14-16h chiều vì đây cũng là giờ thi. Việc này tập cho bản thân m sự tỉnh táo, minh mẫn cao nhất trong 2 khoảng thời gian này để đạt phong độ tốt nhất.
Đề thi sẽ không “triệt tiêu” kiến thức lớp 10, 11
Đây là sai lầm của rất nhiều thí sinh tham gia thi THPT quốc gia năm 2017. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, năm 2017, nội dung thi sẽ chỉ nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Tuy nhiên, kiến thức luôn có hệ thống chứ không nằm riêng lẻ, để làm tốt đề thi THPT quốc gia, các em không thể “triệt tiêu” toàn bộ kiến thức lớp 10, 11 được.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học lưu ý: “Vì đề thi sẽ tập trung vào chương trình học lớp 12 nên nhiều bạn có suy nghĩ sai lầm là loại bỏ tất cả kiến thức lớp 10, 11. Kiến thức Hóa học có tính hệ thống rất cao, ví dụ, dạng bài tập kim loại tác dụng với HNO3 là kiến thức thuộc về chương trình lớp 11.
Tuy nhiên, vì có kim loại tác dụng với HNO3 nên vẫn có thể xuất hiện trong đề thi. Trong đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT vừa mới công bố, có rất nhiều câu hỏi nếu không vận dụng dụng kiến thức lớp 10, 11 thì các em sẽ không thể làm được”.
Học sinh sử dụng linh hoạt các phương pháp khi làm trắc nghiệm Toán
Nhiều học sinh bày tỏ sự lúng túng của mình khi làm bài thi Toán dưới hình thức trắc nghiệm. Thậm chí, có học sinh chia sẻ rằng mình luôn thử bấm máy tính Casio với mọi câu hỏi trong đề thi môn Toán.
Thầy Lưu Huy Thưởng nhấn mạnh: “Trước một câu trắc nghiệm Toán, học sinh có thể lưa chọn các phương pháp làm bài như: tự luận bình thường, tìm phương pháp giải nhanh, áp dụng công thức giải nhanh, sử dụng công cụ máy tính… Khi đọc đề, học sinh không nên lạm dụng Casio hay thuần túy áp dung một phương pháp duy nhất. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm nhất định mà nếu biết vận dụng, học sinh có thể rút ngắn thời gian làm bài”.
Thầy Lưu Huy Thưởng lấy ví dụ trong đề tham khảo, có khoảng 30 câu đầu tiên, học sinh có thể sử dụng nhiều phương pháp tùy thuộc phản xạ của từng học sinh. Với học sinh học nắm vững kiến thức cơ bản thì việc nhẩm nhanh đáp án hoặc triển khai bài toán là điều khá dễ dàng nên nếu học sinh lựa chọn máy tính Casio sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo thầy Thưởng, trong thời gian cuối này, học sinh khá – giỏi nên luyện tập, mở rộng nhiều phương pháp để có phản xạ tốt khi đọc đề và chọn ra phương pháp phù hợp. Học sinh nên thử sức với các thi thử có chất lượng (đề các trường chuyên, các sở, đề thi do thầy cô uy tín cung cấp…).
Đối với các bạn mức độ trung bình, thời gian còn rất ngắn, không nên “tham lam” mà chỉ nên tập trung tối đa vào các chuyên đề vừa sức làm sao để bảo toàn điểm số mục tiêu của mình.
Cần linh hoạt khi làm mỗi dạng câu hỏi
TS văn học Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh, để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi. Ví dụ với phần đọc hiểu, câu hỏi 1 thường là câu hỏi nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt.
Học sinh cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích. Câu hỏi số 2 và số 3 thường kiểm tra khả năng đọc – hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của một đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu.
Tùy thuộc vào yêu cầu của đề, các em cần kết hợp khả năng tư duy suy luận với những hiểu biết, kinh nghiệm vốn có để trả lời ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề hoặc giải thích ngắn gọn nếu đề bài yêu cầu. Câu hỏi vận dụng cuối phần đọc hiểu thường hướng tới yêu cầu tổng hợp, đánh giá toàn bộ ngữ liệu, rút ra thông điệp hoặc bài học cho bản thân. Ví dụ “Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích là gì?”. Với kiểu câu hỏi này, học sinh nên thể hiện những suy ngẫm chân thành, sâu sắc được rút ra từ nội dung tổng quát của toàn bộ ngữ liệu.
Cũng theo TS. Trịnh Thu Tuyết, thời gian hợp lí dành cho nghị luận văn học là khoảng 60-70 phút. Học sinh cần nhanh chóng xác định vấn đề nghị luận cơ bản theo yêu cầu của đề, phân tích hoặc trình bày cảm nhận về một nhân vật/ một đoạn thơ/ một đoạn văn xuôi… trên cơ sở những kiến thức đã được trang bị về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Ngoài 5 lưu ý này, 4 trại tư vấn học tập của sự kiện Hạt giống 2017 đã tiếp nhận hàng nghìn câu hỏi của học sinh về mọi vấn đề xoay quanh kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài việc được tư vấn học tập, hơn 400 học sinh còn được gặp gỡ, giao lưu với thầy cô giáo, tham gia đường đua muôn màu – Color me run bùng nổ. Hạt giống 2017 đã để lại nhiều kỉ niệm khó quên, trở thành động lực cổ vũ học sinh hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Theo Hồng Hạnh – Báo dantri