10 tuyệt chiêu ôn thi tốt môn Hóa
Dưới đây là 5 bí quyết ôn thi hiệu quả và 5 lưu ý để làm bài thi Hóa tốt của thầy Đặng Xuân Chất:
Không bỏ qua tính chất vật lý của các chất
Do hình thức thi là trắc nghiệm nên lượng kiến thức đưa ra trong bài thi là rất rộng. Tuy nhiên khá nhiều học sinh có thói quen chỉ học tính chất hóa học mà không quan tâm đến tính chất vật lí và ứng dụng của chất do đó rất dễ mất điểm của phần này.
Chắc kiến thức trong SGK trước
Học sinh khoan vội học các kiến thức nâng cao bởi lẽ các nội dung cơ bản chiếm phần lớn ma trận đề thi. Cấu trúc đề hiện nay hơn một nửa kiến thức là cơ bản nên nếu học chắc kiến thức SGK các em đã có khả năng đạt điểm khá.
Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy tôi thấy có những em học sinh thường sai các bài tập cơ bản trong khi các bài tập nâng cao hơn các em làm rất tốt, như vậy là rất phí điểm. Quan điểm của tôi là cần phải chắc chắn, học đến đâu chắc đến đó, không nên tham bài khó. Khi học và ôn tập phải chú trọng rà soát lại xem mình đang hổng kiến thức ở chỗ nào để bổ sung cho đủ. Mà đã ôn thi thì phải ôn cho đúng chương trình. SGK hiện nay có 2 loại là cơ bản và nâng cao tuy nhiên khi thi lại không phân biệt. Do đó để đảm bảo sự công bằng các kiến thức đưa ra trong đề thi phải nằm trong sách cơ bản. Vậy các em cứ học theo sách cơ bản đồng thời bỏ qua những phần giảm tải theo quy định.
Học cái chung nhất rồi bổ sung cái riêng
Để học nhanh các em cần học theo phương pháp là học cái chung nhất rồi bổ sung những cái riêng. Ví dụ như nếu đã học chắc được các kiến thức chung của kim loại thì khi học về nhôm chúng ta chỉ cần nhớ nó là kim loại thì mang tính chất hóa học của kim loại và liệt kê nó ra. Sau đó so sánh với tính chất của nhôm sẽ thấy nó khác ở cái gì thì mình nhớ thêm cái đó là xong. Không nên “học vẹt” tính chất từng kim loại mà không hiểu bản chất chung của nó, như vậy tốn thời gian và lại không nhớ lâu được.
Học theo cách của riêng mình
Mỗi người có một khả năng học khác nhau và phương pháp học phù hợp với riêng mình. Các em nên tham khảo các phương pháp học khác nhau rồi từ đó đề ra cho mình cách học và ôn thi phù hợp nhất. Không phải bạn học giỏi là ta phải theo cách học của bạn. Và lưu ý, dù cách nào thì cũng phải chăm làm đề thi thử để việc phân bổ thời gian trước khi vào phòng thi.
Học cách ít dùng giấy nháp
Các em cần lưu ý thời gian làm bài là vô cùng ít. Nếu nháp nhiều sẽ mất thời gian. Do đó các em cần tập làm các bài tập đơn giản mà không dùng đến giấy nháp. Hãy cứ tưởng tượng môn Hóa làm có 50 phút mà thí sinh xin đến 3-4 tờ nháp là… xong, hết giờ mất rồi.
Chuẩn bị tâm lý tốt
Sau khi đã dành thời gian ôn luyện, ngày thi của sĩ tử cũng sẽ đến. Lúc này, thí sinh cần chuẩn bị cho mình tâm lí thật tốt khi bước vào phòng thi. Nhất là lần này thi đề tổ hợp các em rất dễ bị ảnh hưởng về tâm lí nếu như môn trước đó làm không tốt.
Câu nào dễ làm trước
Cần phân bố thời gian làm bài phù hợp câu nào dễ làm trước, câu nào khó mất nhiều thời gian quá thì nên bỏ qua vì mức độ điểm cho mỗi câu là như nhau.
Đọc kĩ đề
Khi đọc đề các em nên lướt nhanh câu hỏi của đề trước để xác định rõ mục tiêu cần làm sau đó mới phân tích để hướng đến mục tiêu đó. Ngoài ra, cần đọc kĩ đề một cách cẩn thận xem đề hỏi gì, đề cần cái gì mình làm cái đó để tránh mất thời gian, chú ý các từ như đúng/ sai/ không đúng.
Không vội vã bỏ qua khi thấy từ “gần nhất”
Vội vã bỏ qua khi thấy từ gần nhất là tâm lí chung của nhiều em học sinh từ khá trở xuống. Thực tế các bài có từ này thường là khó nhưng không phải tất cả, nên phải đọc đề rồi mới quyết định bỏ qua hay không
Soát bài lần cuối
Các em nên dành ra khoảng 5 phút cuối cùng để kiểm tra lại phiếu trả lời của mình đã đúng hay chưa, có tô nhầm hay sót câu nào hay không.
Thầy Đặng Xuân Chất, người mới đây đã gây ấn tượng trong cộng đồng học sinh với bài giảng dạy phân biệt axit – bazơ chia sẻ